Khoa Tài chính - Ngân hàng (TCNH), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là tổ chức khoa học uy tín trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Khoa tiếp nhận, đào tạo, nghiên cứu và phát triển các thành tựu khoa học công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Hiện nay, TCNH cũng là đơn vị hội tụ những giảng viên có trình độ quốc tế, kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, tham gia giảng dạy trong nước và quốc tế, cùng với chương trình đào tạo được xây dựng bài bản, cơ sở vật chất hiện đại, các hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH), trao đổi chuyên môn hấp dẫn, sôi nổi... Khoa đã và đang tạo nên sức hút đặc biệt, khẳng định vai trò, vị thế quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Nhà trường.
Với các ưu thế vượt trội mang tính cập nhật, trong nhiều năm trở lại đây, TCNH là một trong những khoa nhận được nhiều sự quan tâm, lựa chọn để gửi gắm tương lai, trở thành nơi bồi đắp tri thức, chắp cánh ước mơ trên con đường trở thành những nhà quản lý, nhà đầu tư thông thái, tài năng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
1. Sứ mệnh:
Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao với định hướng chuyên nghiệp trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và hiệu quả của Việt Nam: Đào tạo chuyên gia với kiến thức thực tiễn và kỹ năng nghiệp vụ vững vàng, sẵn sàng đảm nhận các vai trò lãnh đạo trong ngành. Thực hiện nghiên cứu và chuyển giao kết quả cho Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội: Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng kết quả nhằm cải thiện chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý. Tạo ra môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo và phát triển tài năng: Xây dựng môi trường học tập tích cực, tích hợp các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế như CFA, FRM, CFB... và hỗ trợ phát triển toàn diện cho sinh viên và giảng viên trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và quản trị kinh doanh hiện đại.
2. Tầm nhìn:
Trở thành một khoa định hướng ứng dụng hàng đầu trong lĩnh vực Tài chính và Ngân hàng, được các trường đại học quốc tế và các hiệp hội chuyên môn công nhận, đạt kiểm định bởi các tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục đại học uy tín quốc tế.
3. Giá trị cốt lõi:
- Khuyến khích sáng tạo, nuôi dưỡng say mê
- Tôn trọng sự khác biệt, thúc đẩy hợp tác
- Coi trọng chất lượng, hiệu quả
- Đảm bảo hài hòa, phát triển bền vững
4. Chiến lược phát triển:
(1) Tăng quy mô tuyển sinh gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Khoa đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt mức tăng trưởng số lượng người học là 16% mỗi năm.
(2) Phát triển và đa dạng hóa các chương trình đào tạo của Khoa Tài chính Ngân hàng. Chuyển đổi toàn bộ các chương trình đào tạo Tài chính Ngân hàng dựa theo định mức kinh tế kỹ thuật. Tập trung phát triển các chương trình đào tạo nâng cao tích hợp với sự phát triển của hệ thống tài chính và ngân hàng toàn cầu để đổi mới và cải thiện chất lượng cũng như mức độ phù hợp của giáo dục trong ngành. Đồng thời, phát triển hơn nữa các khóa học liên ngành để cung cấp một nền giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.
(3) Chương trình đào tạo Cử nhân Tài chính Ngân hàng được ACBSP chứng nhận vào năm 2025.
(4) Phát triển các hoạt động nghiên cứu định hướng ứng dụng trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng và các lĩnh vực liên quan bằng cách thành lập các nhóm nghiên cứu chuyên sâu, chuyên tập trung vào các vấn đề Tài chính Ngân hàng liên quan đến tính bền vững, tài chính xanh và công nghệ tài chính. Khuyến khích hợp tác liên ngành và cung cấp các nguồn lực cũng như đào tạo cần thiết để nâng cao năng lực nghiên cứu.
(5) Nâng cao mức độ ảnh hưởng của các nghiên cứu bằng cách gia tăng số lượng ấn phẩm quốc tế 30% hàng năm và tăng số lượng sản phẩm khoa học được chuyển giao trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng và các vấn đề liên quan.
(6) Tăng cường quan hệ hợp tác và liên kết với các khoa Tài chính Ngân hàng của các trường đại học, doanh nghiệp và hiệp hội việc làm quốc tế nhằm cải thiện chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi học thuật.
(7) Tăng tỷ lệ giảng viên cơ hữu thêm 12% mỗi năm.
(8) Tích hợp công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và quản lý trong Khoa Tài chính Ngân hàng.
(9) Tăng tỷ lệ giảng viên có chứng chỉ nghề nghiệp chuyên môn, phấn đấu ít nhất 30% giảng viên có chứng chỉ nghề nghiệp.
(10) Tăng tỷ lệ giảng viên tham gia hoạt động nghề nghiệp chuyên môn, đạt mục tiêu ít nhất 50% giảng viên tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp chuyên môn.