Bức tranh kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn khả quan hơn các quốc gia khác. Song để nắm bắt cơ hội thì không chỉ có nỗ lực từ Chính phủ, mà cần sự vào cuộc của doanh nghiệp.
Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Khả năng sẽ vượt thu ngân sách và tăng trưởng GDP từ 2,5 đến 3% trong năm nay là những thông tin được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vui mừng thông báo tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra giữa tuần này, trong bối cảnh Việt Nam xuất hiện ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. “Trong khối ASEAN, Việt Nam giữ được đà tăng trưởng có thể nói là cao nhất”, Thủ tướng nói.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng của năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nền kinh tế Việt Nam trong tháng 11 của năm 2020 tiếp tục duy trì đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới.
Sản xuất, kinh doanh, thương mại và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng. Lạm phát được kiểm soát, xuất siêu kỷ lục, dự trữ ngoại hối cao. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam đang rất khả quan.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 lên mức 2,4%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới. “Điều này một lần nữa thể hiện sự ghi nhận của các chuyên gia, tổ chức quốc tế vào thành tựu phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia lớn là đối tác quan trọng của Việt Nam và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến thương mại, du lịch và đầu tư. Trong nước, sản xuất công nghiệp tăng, nhưng chậm lại so với tháng trước; dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phục hồi chậm; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao; thiên tai, bão lụt tác động lớn đến sản xuất và đời sống của người dân; đã xuất hiện ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở TP.HCM.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, mặc dù còn khó khăn, thách thức, nhưng nhiều cơ hội vẫn rộng mở để Việt Nam có thể nắm bắt, vươn lên.
Các cân đối vĩ mô quan trọng được giữ vững, tạo điều kiện tốt để tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế. Các hiệp định EVFTA và RCEP là thời cơ tốt để thúc đẩy thương mại...
Cần sự vào cuộc của cả Chính phủ và doanh nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cần duy trì “tinh thần tiếp tục tháo gỡ hơn nữa cho sản xuất, kinh doanh, kể cả vấn đề đầu tư công và các mặt khác” để tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong tháng 12. Do đó, tại cuộc họp thường kỳ này, Thủ tướng đã cùng các thành viên Chính phủ góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Theo dự thảo Nghị quyết này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương châm hành động của Chính phủ năm 2021 là “Kỷ cương, liêm chính, chủ động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” và xác định 6 quan điểm, giải pháp trọng tâm chỉ đạo điều hành. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tính toán và đề xuất Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm tới đạt khoảng 6%, lạm phát tiếp tục duy trì trong khoảng 4%.
Các cân đối vĩ mô quan trọng được giữ vững, tạo điều kiện tốt để Việt Nam tiếp tục thực hiện những chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, các hiệp định EVFTA và RCEP là thời cơ tốt để thúc đẩy thương mại.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, PGS-TS. Nguyễn Anh Thu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng đồng tình với những con số này. “Dự báo trong bối cảnh hiện nay rất khó, song chắc chắn, bức tranh kinh tế của Việt Nam khả quan hơn các quốc gia khác”.
Nhắc lại câu chuyện diễn biến mới của Covid-19 tại Việt Nam, nhưng bà Thu nhận định, với sự quyết tâm và hành động quyết liệt của Chính phủ, năm 2021 vẫn được dự báo là năm hồi phục. “Chúng tôi đang nghiên cứu, tham khảo dự báo của các tổ chức khác đều đưa ra nhận định tăng trưởng năm tới của Việt Nam ở mức 6%”.
Bà Nguyễn Anh Thu cho rằng, trong bối cảnh biến động toàn cầu, tất cả đều phải thay đổi, không chỉ ở cấp độ vĩ mô, mà từng ngành, từng doanh nghiệp, người dân phải thay đổi.
“Nhìn vào những vấn đề thời gian qua như Covid-19, bão lụt tại miền Trung…, chúng ta thấy vấn đề môi trường, phát triển bền vững đã không còn là câu chuyện trong dài hạn, mà là những vấn đề vô cùng ngắn hạn. Nếu không sớm có giải pháp ngay thì không thể phát triển kinh tế”, bà Thu phân tích và nêu dẫn chứng, các quy định liên quan đến môi trường đã được quy định trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), do đó các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thị trường này cần đáp ứng ngay các tiêu chuẩn.
Do đó, bên cạnh những giải pháp tháo gỡ thể chế từ phía Chính phủ, bà Nguyễn Anh Thu cũng khuyến nghị, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam, cùng với việc khắc phục những cú sốc do Covid-19, thì cần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn.