Tiềm năng nghiên cứu khoa học của Khoa KTPT

Khoa Kinh tế Phát triển được biết đến là đơn vị có thành tích dẫn đầu trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN về hoạt động nghiên cứu khoa học. 



Trong những năm gần đây, công tác bồi dưỡng nghiên cứu cho giảng viên và sinh viên được Khoa đặt lên hàng đầu. Hoạt động nghiên cứu được đẩy mạnh giúp cho Khoa có những thành tích đáng nể trong năm học vừa qua.

Năm học 2020 - 2021 đánh dấu bước phát triển đột phá cả về số lượng lẫn chất lượng bài nghiên cứu, với tổng cộng 49 bài đăng tạp chí quốc tế, trong đó có 34 bài thuộc danh mục ISI/scopus (13 bài Q1). Số lượng công bố trong nước tiếp tục được duy trì với trên 20 bài. 18/30 giảng viên của Khoa nằm trong nhóm nghiên cứu mạnh: PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, PGS.TS. Lê Đình Hải, TS. Lưu Quốc Đạt, TS. Nguyễn Đình Tiến, TS. Nguyễn Xuân Đông,...

Nhóm nghiên cứu mạnh đóng vai trò chủ đạo, quan trọng và tiên phong trong các hoạt động nghiên cứu không chỉ tại Trường Đại học Kinh tế mà toàn Đại học Quốc gia Hà Nội. Góp phần nâng cao các chỉ số xếp hạng nghiên cứu và công bố quốc tế của toàn Đại học Quốc gia. Để được xếp vào nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQG, một giảng viên cần hội tụ 2 tiêu chí về năng lực hỗ trợ đào tạo và năng lực cạnh tranh. Trong đó, phải hướng dẫn thành công 2 thạc sĩ và đạt 1 trong các tiêu chí sau: Có ít nhất 01 giải thưởng KH&CN cấp Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên; có sản phẩm KH&CN tham gia các triển lãm/cuộc thi đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế; đấu thầu thành công các nhiệm vụ KH&CN các cấp đạt tỷ lệ 50 triệu đồng/cán bộ/năm; là chuyên gia của các tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế; chuyên gia kinh tế; kiển trúc sư trưởng trong một số ngành và lĩnh vực.

Giảng viên của Khoa là chủ trì/thành viên/thư kí 06 đề tài cấp nhà nước/Nafosted, 01 đề tài cấp ĐHQG, 01 đề tài cấp cơ sở. Các đề tài này đều đang được thực hiện đúng tiến độ. Bên cạnh đó, giảng viên trong Khoa cũng là một trong những lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng thuyết minh đề tài “Nghiên cứu và xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam: Tập Kinh tế” thuộc Nhiệm vụ KHCN đặc biệt cấp Quốc gia.

Khoa KTPT vẫn duy trì các hoạt động NCKH có chất lượng, các bộ môn duy trì hoạt động sinh hoạt NCKH thường kỳ, với sự tham gia của các giảng viên/ nhà khoa học nước ngoài tham gia báo cáo. Trong năm học 2020 - 2021 Khoa đã tổ chức 01 tọa đàm cấp Khoa. Các tọa đàm phần lớn có sự tham gia báo cáo khoa học từ các chuyên gia có uy tín trong nước.

Song song với đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên luôn dành được sự quan tâm đặc biệt của Ban chủ nhiệm Khoa và các giảng viên. Khoa duy trì tổ chức Hội nghị định hướng Nghiên cứu khoa học cho sinh viên hàng năm vào đầu năm học nhằm giúp sinh viên có quyết định cụ thể, thực tế hơn về các chủ đề nghiên cứu. Số lượng bài nghiên cứu báo cáo tại hội nghị cấp Khoa năm học 2020 - 2021 là 30 nhóm, tăng 150% so với năm học 2019 - 2020. Kết quả có 01 đề tài đạt Giải Nhất cấp Trường, Giải Nhì cấp ĐHQG.

Hoạt động Hợp tác Phát triển cũng được Khoa chú trọng, tích cực đẩy mạnh, chủ động phát triển và khai thác mối quan hệ với các đối tác. Bên cạnh những đối tác truyền thống vẫn đang hỗ trợ Khoa trong cả công tác đào tạo lẫn nghiên cứu, Khoa tiếp tục tìm kiếm và liên hệ với các đối tác mới là các tổ chức phi chính phủ; các tập đoàn, các doanh nghiệp. Đặc biệt, trong năm học Khoa là đầu mối chuẩn bị, triển khai và kết nối việc ký kết giữa trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Văn phòng SPS Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Với tiềm lực vốn có hiện nay, Khoa Kinh tế Phát triển hứa hẹn sẽ đem về nhiều thành tích trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học trong những năm tới. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước, lan tỏa hình ảnh Khoa Kinh tế Phát triển năng động, sáng tạo, tiên phong trên trường quốc tế.


Nguyễn Hương