Trang tin tức sự kiện
 
Trò chuyện với ThS. Nguyễn Hải Minh - người trở về từ Chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á ’2008

ThS. Nguyễn Hải Minh - Cán bộ Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trên Tàu Thanh niên ĐNA 2008.
Trong suốt những ngày từ 26 đến 29/11/2008, trên các trang báo điện tử: Tiền phong online, Dân trí, Tuổi trẻ online, Thanh niên online, Sài Gòn giải phóng online, VnExpress… đều đưa tin về hoạt động hoạt động giao lưu văn hóa của đoàn đại biểu thanh niên tham gia chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á tại Việt Nam.


Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á (viết tắt là SSEAYP) do Chính phủ Nhật Bản đề xuất thành lập năm 1974 và tài trợ hoàn toàn về kinh phí với mục đích tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa thanh niên các nước Nhật Bản và Đông Nam Á. Việt Nam chính thức tham gia chương trình từ năm 1996 và đây là lần thứ 10 tàu SSEAYP có mặt tại nước ta. Trong số 28 thành viên trong đoàn Việt Nam được chọn lựa tham gia chương trình này, có một đại diện đến từ Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, đó là ThS. Nguyễn Hải Minh. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh ngay khi vừa trở về từ chuyến tầu hữu nghị này.
PV: Chào Hải Minh. Được biết anh vừa trở về từ chuyến Tàu Thanh niên Đông Nam Á 2008, để diễn tả thật ngắn gọn cảm xúc của anh về chuyến đi trên vừa rồi, anh có thể nói gì?
ThS. Nguyễn Hải Minh: “Thật tuyệt vời”, đó là ba từ ngắn gọn nhất mà tôi có thể nói. Trong một thời gian ngắn chưa đầy 2 tháng, chúng tôi đã có cơ hội được giao lưu với hơn 300 thanh niên ưu tú đến từ 11 quốc gia, được trực tiếp đặt chân đến Nhật Bản và 5 quốc gia khác thuộc Đông Nam Á. Qua chương trình, chúng tôi vừa có cơ hội được giao lưu, giới thiệu với bạn bè các nước về văn hóa, con người Việt Nam lại vừa học được một cách sâu sắc chính những điều đó từ các bạn. Đây quả là một chương trình có một không hai và sẽ là một kỷ niệm không bao giờ quên đối với những thành viên tham gia.
PV: Hành trình của chuyến tàu năm nay như thế nào?
ThS. Nguyễn Hải Minh: Trước tiên, thành viên của 11 quốc gia tập trung tại Nhật Bản. Tại đây chúng tôi có chương trình làm việc 10 ngày tại Tokyo và một số thành phố khác. Ngoài chương trình sống tại nhà dân (homestay) trong 4 ngày, các hoạt động chủ yếu khác bao gồm: tổ chức triển lãm văn hóa quốc gia, thảo luận với thanh niên địa phương, đến thăm một số cơ sở kinh doanh, cơ sở đào tạo và cơ quan nhà nước của Nhật.
Sau khi rời Nhật Bản, chúng tôi đã cùng con tàu Nippon Maru có một chuyến hành trình dài ngày đi qua 5 quốc gia Đông Nam Á bao gồm Brunei, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam (cập cảng Sài Gòn) và Philippin. Tại mỗi quốc gia chúng tôi đều tham gia chương trình thăm quan địa phương, giao lưu văn hóa và ở nhà dân. Cuối cùng, con tàu Nippon Mary đưa chúng tôi về cảng Tokyo và kết thúc cuộc hành trình dài ngày trên biển.
PV: Anh có bí quyết gì để có thể trở thành một đại diện thanh niên Việt Nam tham gia trên chuyến tàu này?Anh có thể chia sẻ với các bạn thanh niên, sinh viên của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nói riêng và Việt Nam nói chung những bí quyết đó được không?
ThS. Nguyễn Hải Minh: Nếu nói là “bí quyết” thì hơi quá lời mà chỉ là một số kinh nghiệm muốn chia sẻ cùng các bạn mà thôi.
Điều đầu tiên là các bạn hãy cố gắng rèn luyện và nâng cao khả năng Anh ngữ của mình, vì đây là chương trình giao lưu thanh niên quốc tế, tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong mọi cuộc tiếp xúc, trao đổi. Sử dụng thành thạo tiếng Anh là điều kiện tiên quyết cho tất cả các thành viên tham gia.
Thứ hai, các bạn cần tích cực tham gia vào các hoạt động của thanh niên vì cộng đồng, các hoạt động do Đoàn thanh niên và Hội sinh viên tổ chức. Việc tham gia và trực tiếp tổ chức những hoạt động trên giúp bản thân mỗi chúng ta nâng cao tinh thần đóng góp cho xã hội, rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo, tổ chức, kỹ năng làm việc nhóm và hình thành phong cách làm việc vì lợi ích của tập thể. Đây là những tố chất rất quan trọng đối với các thành viên của Đoàn Việt Nam khi tham gia các hoạt động thể hiện hình ảnh quốc gia. Ngoài ra, việc tích cực tham gia các hoạt động Đoàn - Hội cũng sẽ giúp bạn có được một bộ hồ sơ “đẹp”khi gửi đơn ứng cử tham gia chương trình.
Các bạn cũng cần nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin về Việt Nam, Nhật Bản và Đông Nam Á, chúng ta không thể đi giao lưu với thanh niên các nước bạn khi chưa hiểu về họ và chưa hiểu về chính mình.
Cuối cùng, nếu bạn là người thiếu tự tin thì cần nhanh chóng thay đổi điều đó. Trong một chương trình giao lưu, thảo luận với thanh niên đến từ 11 quốc gia, hầu hết đều có khả năng giao tiếp tốt với khối kiến thức rộng, sẽ không thể có chỗ cho sự rụt rè, nhút nhát. Ngay trong quá trình phỏng vấn để chọn ứng viên tham gia chương trình, sự tự tin của bạn chắc chắn cũng là một nhân tố tích cực được đánh giá cao.
PV: Chủ đề của chương trình năm 2008 là “Sự tham gia của thanh niên trong các hoạt động xã hội”, anh và các thành viên trong đoàn Việt Nam đã thể hiện như thế nào?
ThS. Nguyễn Hải Minh: Chúng tôi đã làm một phóng sự về những hoạt động chính của thanh niên Việt Nam đóng góp cho xã hội để giới thiệu cho thành viên các nước bạn. Các bạn đã thực sự rất ấn tượng với các hoạt đồng tình nguyện mùa hè xanh, hoạt động hiến máu nhân đạo và nhiều hoạt động xã hội khác của thanh niên Việt Nam. Chúng tôi cũng đã được nghe giới thiệu về nhiều hoạt động xã hội của thanh niên các nước, rất nhiều hoạt động trong đó chúng ta có thể học tập được. Ngoài chương trình thảo luận trên, chúng tôi còn tiến hành các hoạt động thực tiễn như đến thăm và giúp đỡ một số trường học dành cho trẻ khuyết tật tại Thái Lan, giúp đỡ một số khu dân cư nghèo tại Philippin, thực hành cách phân loại rác thải tại các khu dân cư ở Nhật Bản, v.v.
PV: Anh ấn tượng điều gì nhất trong chuyến đi này?
ThS. Nguyễn Hải Minh: Tôi thực sự ấn tượng với tinh thần đoàn kết và phong cách làm việc chu đáo, hết mình của người Nhật Bản. Theo quan điểm chủ quan của tôi thì đây chính là một trong những nhân tố chính tạo nên sức mạnh Nhật Bản. Tôi thấy người Việt Nam chúng ta cần học tập người Nhật về điểm này.
PV: Khoảng khắc đáng nhớ nhất trong chuyến đi?
ThS. Nguyễn Hải Minh: Đó là lễ kéo cờ và hát quốc ca Việt Nam khi tàu chuẩn bị cập cảng Sài Gòn. Lúc đó trong tôi và các thành viên khác của đoàn Việt Nam đều có một cảm giác xúc động và niềm tự hào dân tộc không thể tả bằng lời. Đây chắc chắn sẽ là một trong những lễ kéo cờ và hát quốc ca đáng nhớ nhất trong đời tôi.
PV: Cảm ơn những điều chia sẻ và chuyện kể của anh về Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á 2008. Chúc anh đạt được nhiều thành công hơn trong cuộc sống.


Lễ xuống tàu của các bạn thanh niên Đông Nam Á.


Tại gian triển lãm của đoàn Việt Nam.


Trọ tại gia đình (homestay) ở Brunei.


Lễ tiễn tàu diễn ra đầy lưu luyến.


Trần Kim Loan