Trang tin tức sự kiện
 
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN: Dẫn dắt thành công sự đổi mới

Trường ĐHKT triển khai đánh giá ngoài chương trình đào tạo theo bộ Tiêu chuẩn AUN-QA
Nằm trong lộ trình hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) thuộc ĐHQGHN được thành lập theo Quyết định số 290/2007/QĐ-TTg ngày 6/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ với sứ mệnh: "Cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng chuyên gia, lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh đáp ứng nhu cầu phát triển chất lượng, hiệu quả và bền vững của Việt Nam; Nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội; Tạo môi trường thuận lợi để sáng tạo, nuôi dưỡng, phát triển tài năng trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh hiện đại".


Trường ĐHKT ra đời là sự tiếp nối, kế thừa truyền thống của Khoa Kinh tế Chính trị (năm 1974) thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trải qua chặng đường gần 40 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy và trò Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã xây dựng nên bản sắc văn hóa và triết lý phát triển riêng cho mình với hệ các giá trị cốt lõi: Khuyến khích sáng tạo; Nuôi dưỡng say mê; Tôn trọng khác biệt; Thúc đẩy hợp tác; Coi trọng chất lượng và hiệu quả; Đảm bảo hài hòa và phát triển bền vững.
Xác định sự khác biệt

Ra đời trong bối cảnh hệ thống giáo dục quốc gia có sự cạnh tranh gay gắt trong đào tạo và nghiên cứu về kinh tế và quản trị kinh doanh, song Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã tìm cho mình một hướng đi riêng, tạo sự khácbiệt từ chính các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu của Trường.

Trong lĩnh vực đào tạo, Trường ĐHKT - ĐHQGHN tập trung đào tạo nguồn nhân lực theo hướng chuyên gia và lãnh đạo. Với phương châm không “chạy theo số lượng hay quy mô”, Trường tập trung vào các chương trình đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, đào tạo sau đại học và liên kết quốc tế ở tất cả các bậc đào tạo.

Những mốc lịch sử của Trường ĐHKT:

  • 11/1974: Khoa Kinh tế Chính trị trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
  • 9/1995: Khoa Kinh tế trực thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN.
  • 7/1999: Khoa Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN.
  • 3/2007: Trường Đại học Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, với định hướng phát triển theo mô hình trường đại học nghiên cứu, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường được thực hiện theo hai hướng chính: Nghiên cứu phục vụ nâng cao chất lượng giảng dạy nghiên cứu phục vụ tư vấn chính sách và phát triển doanh nghiệp, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Kinh tế vĩ mô; Phát triển bền vững; Phát triển ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Trường cũng tập trung xây dựng và phát triển các chương trình nghiên cứu trọng điểm với các nhóm nghiên cứu đa dạng (gồm: nhóm nghiên cứu “thể chế” là các trung tâm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu “linh hoạt” là các nhóm nghiên cứu của các khoa và liên khoa) với các tiêu chí đánh giá là chất lượng sản phẩm đầu ra và với phương thức hoạt động chủ yếu là mạng lưới nghiên cứu…

Tiên phong trong đổi mới

Kế thừa truyền thống gần 40 năm với phương châm phát triển hài hòa, phát huy những thành quả đã đạt được của các thế hệ đi trước, Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã tiên phong trong đổi mới các hoạt động để phù hợp với xu hướng của thời đại, đó là hội nhập - chất lượng - đẳng cấp.

Trong những năm gần đây, Trường ĐHKT - ĐHQGHN là một trong những đơn vị đi đầu của ĐHQGHN trong đổi mới quản trị đại học và là một trong những trường đại học đầu tiên trên cả nước được cấp chứng nhận quản lý chất lượng theo hệ thống ISO 9001:2000. Với việc áp dụng mô hình quản trị đại học tiên tiến, Nhà trường luôn quan niệm chất lượng là yếu tố có ý nghĩa “sống còn” trong mọi hoạt động. Để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, từng bước tiệm cận với các chương trình tiên tiến và đạt chuẩn quốc tế, Trường ĐHKT đã ban hành chính sách thu hút cán bộ trình độ cao về làm việc tại Trường, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia, giảng viên được đào tạo từ các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài; các doanh nhân, các nhà khoa học có uy tín, tuyển dụng các giảng viên có trình độ chuyên môn cao, khuyến khích và cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài; xây dựng cơ chế đánh giá cán bộ, giảng viên làm cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng và đãi ngộ thỏa đáng. Trong tổng số cán bộ của Trường hiện nay, tỷ lệ giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên chiếm 98%; trình độ tiến sĩ trở lên chiếm 68% (tỷ lệ giảng viên được đào tạo ở nước ngoài chiếm 57%).


PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn trao thưởng cho sinh viên tiêu biểu Trường ĐHKT

Là một trường đại học trẻ, song Trường ĐHKT đã nhanh chóng tiếp cận và nắm bắt lợi thế của người đi sau, đẩy mạnh khai thác lợi thế đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN, và xây dựng, tổ chức một số ngành đào tạo mới, có tính liên ngành cao. Từ 4 ngành đào tạo bậc đại học ở thời điểm trước năm 2007 (Kinh tế Chính trị, Quản trị Kinh doanh, Kinh tế Quốc tế, Tài chính - Ngân hàng); 2 ngành đào tạo bậc thạc sĩ (Kinh tế Quốc tế và Kinh tế Chính trị), 1 ngành đào tạo bậc tiến sĩ (Kinh tế Chính trị); Trường đã xây dựng và phát triển thêm 2 mã ngành mới ở bậc cử nhân (Kinh tế phát triển và Kế toán), 3 mã ngành/chuyên ngành mới ở bậc thạc sĩ (Quản lý kinh tế, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị công nghệ và Phát triển doanh nghiệp) và 2 mã ngành mới ở bậc tiến sĩ (Kinh tế Quốc tế và Quản trị Kinh doanh). Hiện nay, Trường đang tổ chức đào tạo 30 chương trình từ bậc cử nhân đến tiến sĩ, trong đó có 2 chương trình hệ chất lượng cao (ngành Kinh tế Quốc tế và Tài chính - Ngân hàng), 1 chương trình hệ đạt chuẩn quốc tế (ngành Quản trị Kinh doanh) thuộc Nhiệm vụ chiến lược của ĐHQGHN và 5 chương trình liên kết bằng kép với các trường đại học thành viên của ĐHQGHN.

Phát triển mạnh các chương trình liên kết đào tạo với các đại học nước ngoài (được kiểm định) và thúc đẩy liên thông nhanh các chương trình đào tạo của Trường với các chương trình đào tạo của các đại học nước ngoài cũng là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và "quốc tế hóa" các chương trình đào tạo trong nước. Các chương trình liên kết đào tạo quốc tế (từ cử nhân đến tiến sĩ) với các đại học lớn của Hoa Kỳ, Pháp, New Zealand, Thụy Điển,... trong lĩnh vực: tài chính - ngân hàng, thẩm định kinh tế và quản lý dự án quốc tế, quản lý công và quản trị kinh doanh đang được triển khai đã mang lại cơ hội tiếp nhận công nghệ đào tạo hiện đại, phát triển đội ngũ giảng viên, nâng cấp được cơ sở vật chất của Trường.

Trường ĐHKT còn là đơn vị tiên phong trong ĐHQGHN nghiên cứu và áp dụng thành công việc xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO (Conceive - hình thành ý tưởng; Design - thiết kế ý tưởng; Implement - thực hiện; Operate - vận hành) do Học viện MIT (Hoa Kỳ) cùng một số trường đại học khác tại Châu Âu khởi xướng và đã được quốc tế thừa nhận. Đây là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế chương trình và phương pháp đào tạo theo một quy trình khoa học. Các chương trình đào tạo của Trường ĐHKT - ĐHQGHN thường xuyên được đổi mới theo hướng đảm bảo chuẩn đầu ra và hướng tới kiểm định chất lượng quốc gia và quốc tế.

Trường ĐHKT - ĐHQGHN đang từng bước tự tin hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học thông qua việc kết nối với mạng lưới nghiên cứu quốc tế và khu vực (Chương trình JSPS của Nhật Bản, Quỹ Nghiên cứu Thái Lan, Quỹ JICA Nhật Bản, Chương trình nghiên cứu các nước thuộc tiểu vùng Mekong do ADB tài trợ, Chương trình hợp tác nghiên cứu với sự tài trợ của Tổ chức Thương mại thế giới…). Trong công tác quản lý nghiên cứu khoa học, Trường thực hiện đổi mới cách thức quản lý, tạo môi trường, cơ chế khuyến khích cán bộ, giảng viên nghiên cứu, sáng tạo, tập trung nguồn lực đầu tư cho các chương trình nghiên cứu trọng điểm. Từ năm 2007 đến nay, Trường đã và đang thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có 6 đề tài cấp Nhà nước, 24 đề tài/đề án trọng điểm/đặc biệt (Nhóm A, B theo quy định của ĐHQGHN), 81 đề tài/đề án cấp ĐHQGHN do Trường quản lý và trên 35 đề tài, dự án nghiên cứu trong nước và quốc tế khác.

Lãnh đạo Trường ĐHKT chuyển giao kết quả nghiên cứu cho Hội đồng Lý luận Trung ương


Với phương châm “hợp tác để phát triển”, Trường ĐHKT - ĐHQGHN còn được biết đến là một trong những đơn vị tiên phong trong xây dựng và triển khai hiệu quả mô hình hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp và có thế mạnh trong phát triển hợp tác với các trường đại học - viện nghiên cứu - các tổ chức quốc tế. Nhà trường hiện có mối quan hệ hợp tác với hơn 30 đối tác là các trường đại học, các viện nghiên cứu thuộc 12 nước và vùng lãnh thổ, trong đó đặc biệt phải kể đến các đối tác là các trường đại học uy tín như: Haas School of Business - Đại học Berkley (Hoa Kỳ); Đại học Uppsala (Thụy Điển); Đại học Massey (New Zealand); Đại học Paris - Est Cre'teil Val de Marne (Pháp); Đại học Nagoya, Đại học Waseda (Nhật Bản) v.v. và hơn 20 tập đoàn và tổ chức kinh tế, hiệp hội doanh nghiệp và các ngân hàng như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Tập đoàn Gami, Tập đoàn Bảo Sơn, Tập đoàn Doji, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội, v.v. Mô hình hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và tư vấn đã hỗ trợ quá trình đào tạo của Trường về mặt thực tiễn đồng thời tạo đầu ra cho các doanh nghiệp.

Gặt hái những thành quả ban đầu

Những nỗ lực đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã và đang mang lại những thành quả ban đầu cho Nhà trường, đồng thời có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trường ĐHKT không ngừng nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo. Từ năm 2009 đến nay, điểm tuyển sinh của Trường được duy trì ở mức cao và nằm trong top đầu khối các trường đào tạo về kinh tế và kinh doanh.Cho đến nay, đã có hàng nghìn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp từ Trường ĐHKT, trong số đó phần lớn có việc làm và một số giữ các vị trí chủ chốt ở nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các ngành của Trường vào loại khá và giỏi luôn chiếm khoảng 80% hàng năm; tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng chuyên môn ngay sau khi tốt nghiệp là khá cao, đặc biệt đối với các ngành Quản trị Kinh doanh (98%); Tài chính - Ngân hàng (95%); Kinh tế Quốc tế - chất lượng cao (95%). Trong liên kết đào tạo quốc tế, chương trình liên kết với Đại học Uppsala (Thụy Điển) về đào tạo thạc sĩ Quản lý công đã được Ban Tổ chức Trung ương (trong khuôn khổ Đề án 165 của Chính phủ) và Ủy ban Dân tộc đặt hàng đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo. Kết quả này đã đánh dấu sự thành công bước đầu của Trường trong việc thực hiện sứ mệnh đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.


Tại lễ tốt nghiệp chương trình thạc sĩ Quản lý công khoá 1, do Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và ĐH Uppsala (Thụy Điển) phối hợp triển khai

Cán bộ Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã chủ trì và bảo vệ thành công 3 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước với sản phẩm đầu ra có địa chỉ ứng dụng, góp phần tư vấn chính sách phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Trong 5 năm trở lại đây, Trường đã công bố hơn 450 bài nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước và quốc tế, trong đó có 46 bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí nước ngoài; nghiên cứu và xuất bản ấn phẩm đặc thù Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam các năm 2009, 2010, 2011, 2012 bằng 2 thứ tiếng (Việt và Anh). Trường cũng đã tổ chức được nhiều hội thảo lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo các cơ quan hoạch định chính sách của Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, các bộ, ngành và các tập đoàn kinh tế lớn và các hiệp hội doanh nghiệp. Những thành tựu này bước đầu đã chứng tỏ uy tín khoa học cũng như vai trò "kết nối" của Trường.

Thực hiện sứ mệnh cao cả mà Đảng và Nhà nước giao phó, Trường ĐHKT - ĐHQGHN hôm nay đã và đang chuyển mình trong một kỷ nguyên mới với tầm nhìn mới: Trở thành một trong những trường đại học theo định hướng nghiên cứu hàng đầu cả nước vàquyết tâm “vươn ra biển lớn” lấy chất lượng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để tiệm cận dần với đẳng cấp khu vực và thế giới. Những thành quả đã đạt được mang tính đột phá của Nhà trường trong thời gian gần đây là kết quả của những nỗ lực chung của tập thể cán bộ viên chức nhà trường, sự chỉ đạo, định hướng và tổ chức thực hiện của Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường cũng như sự chỉ đạo, hỗ trợ của ĐHQGHN và các bộ, ngành liên quan.

Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, song với bề dày truyền thống gần 40 năm, với những thành tựu đã đạt được, lực lượng cán bộ khoa học có trình độ cao, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng trường; một môi trường làm việc năng động, hợp tác và thân thiện, với sự liên kết, hợp tác hiệu quả trong nước và quốc tế cũng như sự chỉ đạo và hỗ trợ của ĐHQGHN và các bộ, ngành liên quan, chúng tôi tin tưởng rằng Trường ĐHKT - ĐHQGHN sẽ hoàn thành thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu có trình độ ngang tầm các trường đại học tiên tiến ở khu vực Châu Á trong tương lai.


PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN