Trang tin tức sự kiện
 
Trường ĐH Kinh tế phát huy thế mạnh để tạo lập môi trường học tập lý tưởng

Toàn cảnh lễ khai giảng năm học 2016 - 2017 của Trường ĐH Kinh tế
Nhân dịp tổng kết năm học 2015 - 2016 và khai giảng năm học mới 2016-2017, Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN có buổi trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.


- Xin ông cho biết những thành tích nổi bật của Trường trong năm học 2015-2016?

Năm học 2015 - 2016 đã kết thúc và năm học 2016-2017 đã bắt đầu. Nhìn lại năm học 2015 - 2016, chúng tôi nhận thấy Trường ĐH Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Kết thúc năm học, hầu hết các nhiệm vụ trong kế hoạch đã được thực hiện hoàn thành đạt và vượt mức kế hoạch, đảm bảo hoạt động thông suốt trong toàn trường. Đặc biệt, trong năm học này Trường ĐHKT hoàn thành đánh giá và đạt tiêu chuẩn chất lượng cấp cơ sở giáo dục theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường đã chuyển đổi thành công 2 chương trình Chất lượng cao theo thông tư 23 của Bộ GD&ĐT và mở mới 2 chương trình đào tạo Thạc sĩ Chất lượng cao ngành Quản trị các tổ chức Tài chính Quốc tếKinh tế biển; đồng thời điều chỉnh xong 16 chương trình đào tạo đại họcsau đại học. Giảng viên, nghiên cứu viên Trường ĐHKT được các tổ chức ngoài ĐHQGHN đánh giá cao về năng lực nghiên cứu khoa học và được mời tham dự nhiều hội đồng tư vấn chính sách, hội đồng khoa học công nghệ cấp quốc gia.

- Trường ĐH Kinh tế đã xếp thứ hạng cao về công bố quốc tế ISI (SSCI). Xin ông cho biết thêm thông tin cụ thể về điều này cũng như những kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học của Trường năm học qua?

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN

Theo kết quả được nhóm dự án S4VN (Trắc lượng Khoa học Việt Nam) công bố trong bảng thống kê SSCI (những bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện Thông tin Khoa học - Institute for Scientific Information - ISI) về 15 cơ sở giáo dục đào đạo Việt Nam dẫn đầu về công bố bài báo ISI giai đoạn 2011-2015, ĐHQGHN xếp thứ 2 với 14 bài, trong đó có đến 13 bài được đóng góp bởi Trường ĐHKT.

Năm học 2015-2016 là năm đầu tiên 100% các khoa thuộc Trường ĐHKT đều có các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín và tiếp tục duy trì số bài báo được đăng trong các tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu ISI và SCOPUS: 18 bài trên hệ thống ISI/Scopus trong tổng số 34 bài công bố quốc tế. Đây là bước phát triển đáng mừng, cho thấy sự chỉ đạo, đầu tư và các chính sách của Trường ĐHKT nói riêng và ĐHQGHN nói chung trong khuyến khích giảng viên, học viên, sinh viên nghiên cứu là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu thế chung của phát triển giáo dục đại học trong khu vực và trên thế giới.

- Năm học 2015 - 2016, website Trường ĐHKT tiếp tục được đánh giá cao trong toàn ĐHQGHN về chỉ số phát triển theo tiêu chí xếp hạng Webometrics. Ông có thể nói gì về điều này?

Vâng. Năm học vừa qua, website Trường ĐHKT tiếp tục được đánh giá là một trong những website tiêu biểu trong việc thực hiện phát triển tài nguyên học thuật của ĐHQGHN. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực của Trường trong việc cung cấp một cách nhanh chóng, đầy đủ và phong phú các thông tin hoạt động, tài liệu khoa học tới cán bộ, giảng viên, người học và các đối tác của trường. Trong quan niệm của chúng tôi, website là bộ mặt của Nhà trường trên mạng internet, đồng thời là phương tiện để hỗ trợ tốt nhất cho công tác quản lý, đào tạo và nghiên cứu của Trường.

- Hoạt động hợp tác phát triển tiếp tục có những tác động lan tỏa tích cực như thế nào tới đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên, giảng viên, học bổng, hội thảo quốc tế, thưa ông?

Cảm ơn bạn. Câu hỏi rất thú vị. Với Trường ĐHKT - ĐHQGHN, hoạt động hợp tác phát triển được lãnh đạo Nhà trường đặc biệt quan tâm và coi đó như một động lực quan trọng để trường đạt được mục tiêu chiến lược chung. Sau mỗi năm, hoạt động này ngày càng được tổ chức chuyên nghiệp hơn và đang ngày càng có những tác động lan tỏa tích cực và thiết thực tới mọi mặt hoạt động của nhà trường, đặc biệt là tới hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Điều đó được thể hiện ở những điểm sau:

Một là, Trường tiếp tục duy trì và phát triển các chương trình đào tạo liên kết quốc tế với những đối tác có uy tín sau những hậu quả nặng nề dưới tác động của bối cảnh không thuận lợi về cơ chế, chính sách và thị trường kể từ năm 2012.

Hai là, Trường đã phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức các hội thảo quốc tế với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học trong nước, quốc tế và có những tác động lan tỏa về xã hội lớn như hội thảo về “Pháp quyền ở châu Á: Việt Nam và TPP, Hội thảo quốc tế Ngân hàng và Tài chính thế giới, Hội thảo Hợp tác và Hội nhập Kinh tế quốc tế 2015: Hội nhập Kinh tế Đông Á và hàm ý cho doanh nghiệp Việt Nam,...

Ba là, Trường đã thực hiện nhiều hoạt động tư vấn chính sách và tư vấn địa phương thông qua việc tham gia đoàn công tác của ĐHQGHN góp ý kiến cho Báo cáo chính trị 13 tỉnh Tây Bắc; tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho các địa phương như tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa, Bình Định, Hà Tĩnh, Hà Giang, Kiên Giang..., đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp như Tổng công ty Thương mại Hà Nội, PV Power, Vinaconex, VTC...; đào tạo về hội nhập quốc tế, đào tạo về quản trị công ty trong ngân hàng như Vietcombank, DIV, Tổ chức Tài chính quốc tế - Ngân hàng thế giới...

Bốn là, Trường vẫn tiếp tục duy trì đều đặn hoạt động giao lưu sinh viên quốc tế (ngắn hạn) với Đại học Waseda, Đại học Thương mại Chiba, Đại học Quốc gia Yakohama, Diễn đàn sinh viên châu Á - GPAC (Trường là một trong những thành viên chủ chốt)..., cũng như chương trình trao đổi tín chỉ với Đại học Quốc tế Akita, Đại học Oita, Đại học Rennes, Đại học Quốc gia Chengchi....Hoạt động trao đổi giảng viên cũng được tiến hành đều đặn. Năm học vừa qua, trường ĐHKT có giảng viên tham gia giảng dạy ở nước ngoài và hàng chục lượt giảng viên được cử đi tham dự hội thảo quốc tế, các khóa đào tạo ngắn hạn nâng cao trình độ ở nước ngoài.

Năm là, Trường vẫn tiếp tục duy trì được những học bổng lớn cho sinh viên như học bổng Thakral Insewa với trị giá tới 100 triệu đồng/sinh viên và trao cho 3 sinh viên xuất sắc, học bổng ”IMG - thắp sáng Tài năng Việt trị giá 1,4 tỷ trong giai đoạn 2013 - 2023, năm học 2016 - 2017 số học bổng là 150 triệu đồng... và hơn 10 học bổng có giá trị của các tổ chức khác.

- Những định hướng cho năm học 2016 - 2017 là gì, thưa ông?

Trên cơ sở phân tích tình hình thực tế, chúng tôi đã nhận định được những khó khăn, thách thức và cơ hội trong giai đoạn tới. Năm học 2016-2017, với chủ đề “Đổi mới - Trách nhiệm - Hiệu quả - Hài hòa”, Trường ĐHKT đã đưa ra 3 định hướng lớn:

Thứ nhất là, mở rộng quy mô, cơ cấu ngành nghề, nâng cao chất lượng đào tạo(đặc biệt là đào tạo tiến sĩ) đáp ứng nhu cầu xã hội và hướng tới tự chủ, tăng dần kiểm định các chương trình.

Thứ hai là, duy trì và phát triển các thành tích của hoạt động khoa học công nghệ theo định hướng đại học nghiên cứu.

Thứ ba là, đảm bảo các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, phát triển bền vững.

Các chỉ tiêu cụ thể cho từng mảng hoạt động cũng đã được Nhà trường đề ra trong bản kế hoạch hoạt động của Trường. Tôi tin rằng, với sự đoàn kết, thống nhất của toàn thể cán bộ, giảng viên Nhà trường; sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo và tăng cường hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị; cũng như sự chỉ đạo, hỗ trợ của ĐHQGHN, Trường ĐHKT - ĐHQGHN sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới đã đề ra.

- Theo học tại Trường ĐHKT, người học được hưởng lợi những gì, thưa ông?

Bênh cạnh lợi thế là thành viên của ĐHQGHN - một đơn vị đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực uy tín, chất lượng cao và định hướng nghiên cứu gắn với thực tiễn, với đào tạo và gắn với quốc tế, Trường ĐHKT còn có những thế mạnh riêng để mang đến cho người học một môi trường học tập lý tưởng.

Đối với bậc đại học, tham gia các chương trình đào tạo đại học tại Trường ĐHKT, bên cạnh việc được học tập trong môi trường học tập thân thiện và hiện đại với đội ngũ giảng viên là các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm thực tiễn, sinh viên còn có cơ hội học thêm bằng đại học chính quy thứ 2 ngành Ngôn ngữ Anh (của Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN), hoặc Công nghệ Thông tin (Trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN), hoặc Luật Kinh doanh (Khoa Luật - ĐHQGHN). Sinh viên ngành Kinh tế và ngành Kinh tế Phát triển của trường được học thêm ngành Tài chính - Ngân hàng, Kinh tế Quốc tế do chính Trường ĐHKT đào tạo.


Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Nguyễn Hồng Sơn trao khen thưởng cho các tân sinh viên là thủ khoa trong kỳ tuyển sinh năm 2016

Trong quá trình học tập, sinh viên ĐHKT còn có rất nhiều cơ hội tham gia các chương trình học tập, hội thảo, trao đổi quốc tế phong phú và đa dạng với các trường đại học đối tác như Đại học Waseda (Nhật Bản); Đại học Quốc gia Đài Loan; Đại học Quốc gia Malaysia; Đại học Sydney (Úc); Đại học Uppsala (Thụy Điển); Đại học Troy (Hoa Kỳ) v.v.

Sinh viên ĐHKT của còn có cơ hội nhận học bổng lớn từ ĐHQGHN, từ các đối tác chiến lược của ĐHKT như: Tổ chức từ thiện Insewa, Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales, Công ty CP Đầu tư IMG, LienVietPostBank, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Sunway Hanu, Sacombank, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro)… Ngay tại Lễ khai giảng năm học 2016-2017 tổ chức ngày 15/9/2016, Trường ĐHKT đã nhận được hơn 1 tỷ đồng học bổng do các đối tác tài trợ.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu sinh, học viên cao học của trường cũng có nhiều cơ hội được tham gia nghiên cứu các đề tài, dự án lớn cùng giảng viên ĐHKT và được tài trợ nhiều học bổng có giá trị cao.

Chúng tôi luôn cho rằng, sự thành đạt của học viên, sinh viên chính là niềm tự hào của chúng tôi. Vì vậy, Trường ĐHKT đã, đang và sẽ nỗ lực không ngừng để trở thành điểm đến của tri thức, đáp ứng sự tin tưởng của Đảng, của Đại học Quốc gia Hà Nội và của xã hội.

- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn.

>> Xem bài gốc


Lưu Mai - Ảnh: Quốc Toản - VNU Media