Trang tin tức sự kiện
 
Hội thảo xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho chương trình đào tạo của ĐHKT

Hội thảo có sự tham gia của các cơ quan quản lý giáo dục, tài chính và các đơn vị thành viên ĐHQGHN
Chiều ngày 11/9/2020, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật các chương trình đào tạo của Trường.


Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có: TS. Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT; Đại diện Vụ kế hoạch Tài chính, Bộ Tài chính; GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN; PGS.TS Phạm Xuân Hoan - Trưởng ban Kế hoạch Tài chính, ĐHQGHN; PGS.TS Hà Lê Kim Anh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN; TS. Nguyễn Anh Thái - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN; về phía Trường ĐH Kinh tế có PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng; TS. Phạm Minh Tuấn - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng; các thành viên nhóm xây dựng đề án và lãnh đạo các đơn vị trong Trường.

 

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho biết, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho chương trình đào tạo là một yêu cầu tất yếu đối với các cơ sở đào tạo giáo dục, nhất là khi các chương trình đào tạo được đầu tư để nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế. Đối với Trường ĐH Kinh tế, với chiến lược quốc tế hoá giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy và tăng cường thực tập thực tế, kiểm định chất lượng quốc tế, nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên, vì vậy cần có định mức cụ thể, chính xác để cân bằng thu chi và đầu tư hợp lý cho các hoạt động của Trường. Trường Đại học Kinh tế là đơn vị tiên phong trong ĐHQGHN trong việc xây dựng và tiến tới áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật cho các chương trình đào tạo.

Hiệu trưởng ĐHKT PGS.TS Nguyễn Trúc Lê phát biểu tại Hội thảo 

Chủ trì nhóm xây dựng đề án, TS. Phạm Minh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN chia sẻ về việc tổ chức hội thảo nhằm mục đích nhận được các góp ý khách quan, mang tính xây dựng từ các cơ quan quản lý, chuyên gia về tài chính giáo dục. Thông qua đó, nhóm xây dựng đề án sẽ có được những sự điều chỉnh phù hợp, lấy căn cứ để hoàn thiện việc xác định định mức kinh tế kỹ thuật.

TS. Phạm Minh Tuấn - Phó Hiệu trưởng phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS Lê Trung Thành, Trưởng phòng Đào tạo đã trình bày dự thảo về việc chuyển đổi các chương trình đào tạo theo định mức kinh tế kỹ thuật bao gồm 6 chương trình đại học chất lượng cao theo TT23, xây dựng mới 3 chương trình đào tạo đại học đặc thù và các chương trình đào tạo thạc sĩ hiện tại của Nhà trường. Theo đó, với các chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật, sinh viên sẽ được trải nghiệm môi trường quốc tế hoá thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi sinh viên, trao đổi tín chỉ tại các trường đại học trong nước và quốc tế; đề cương điều chỉnh CTĐT sẽ có sự tham gia đóng góp ý kiến từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và hướng tới kiểm định quốc tế ACBSP các CTĐT; sinh viên có cơ hội thực tập, thực tế, đào tạo kỹ năng mềm đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng thông qua các hoạt động kết nối giữa Nhà trường - doanh nghiệp và sinh viên; sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường và sẵn sàng thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh quốc tế hoá.

PGS.TS Lê Trung Thành trình bày dự thảo mở các chương trình đào tạo đặc thù 

Các đại biểu tham gia hội thảo đánh giá rất cao tính tiên phong của Trường Đại học Kinh tế trong việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho CTĐT trong các đơn vị của ĐHQGHN. TS. Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT rất ủng hộ việc Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức Hội thảo để bàn luận và lấy ý kiến từ nhiều phía về định mức kinh tế kỹ thuật cho các chương trình đào tạo. TS. Trần Tú Khánh cũng đề xuất ĐHQGHN nên có những văn bản hướng dẫn các đơn vị thành viên, trong đó có Trường Đại học Kinh tế về việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho các CTĐT.

  TS. Trần Tú Khánh phát biểu tại Hội thảo

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN đánh giá cao những thay đổi của Trường Đại học Kinh tế trong việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trong CTĐT như các hoạt động quốc tế hoá giáo dục, tăng cường thực hành, thực tập, thực tế cho sinh viên…

  GS.TS Trịnh Đình Đức nêu quan điểm tại Hội nghị

Ngoài ra, Hội thảo còn được lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp từ các đại diện đơn vị trong ĐHQGHN, các ý kiến đều ủng hộ việc đơn vị chủ động xây dựng các chương trình đào tạo theo định mức kinh tế kỹ thuật và cho đây là điều bắt buộc trước khi tiến tới tự chủ hoàn toàn.

Thông qua buổi Hội thảo, những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, đại diện các đơn vị trong ĐHQGHN đã được ghi nhận và sẽ được bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới.


 PGS.TS Phạm Xuân  Hoan - Trưởng ban Kế hoạch Tài chính, ĐHQGHN phát biểu ý kiến
 PGS.TS Hà Lê Kim Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ phát biểu tại Hội thảo

 TS. Nguyễn Anh Thái - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ phát biểu ý kiến

Văn Công