Trang tin tức sự kiện
 
Sinh viên ĐHKT đạt giải Ba giải thưởng Nghiên cứu khoa học sinh viên ĐHQGHN

Sinh viên Hoàng Minh Trí (thứ 2 từ trái sang) trong lễ trao thưởng NCKHSV ĐHQGHN
Tại Hội nghị tổng kết và trao thưởng công trình nghiên cứu khoa học sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2015 diễn ra ngày 26/11, công trình của sinh viên Hoàng Minh Trí, Trường Đại học Kinh tế đã được trao giải Ba trong nhóm lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn.


Năm 2015, toàn ĐHQGHN có 1552 công trình tham gia dự thi ở cấp các đơn vị. Thông qua các hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường, các đơn vị trực thuộc đã chọn ra 41 công trình dự xét thưởng cấp ĐHQGHN.

Tại Hội nghị tổng kết và trao thưởng cấp ĐHQGHN, đại diện lãnh đạo Ban Khoa học công nghệ cho biết, ĐHQGHN đã tổ chức họp 4 Hội đồng xét giải cho các công trình thuộc 4 nhóm lĩnh vực trọng điểm của ĐHQGHN, bao gồm: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa học Tự Nhiên - Y dược, Khoa học Công nghệ - Kỹ thuật và Khoa học Liên ngành.

Từ kết quả sơ loại của các chuyên gia phản biện, đã có 34 công trình đủ tiêu chuẩn để tham gia xét chọn và chung khảo có 21 công trình được trao Giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên cấp ĐHQGHN. Các đề tài được xét thưởng có tính độc đáo, đa dạng, phong phú, gắn liền với định hướng nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN và các đơn vị. Nội dung các đề tài đã bám sát những vấn đề thực tiễn đất nước và sự quan tâm của xã hội. Một số công trình có hướng tiếp cận rất mới và bám sát thực tiễn xã hội.

Trong nhóm lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐHKT có một công trình được trao giải Ba đợt này - là nghiên cứu “Ước lượng mức độ sai lệch tỷ giá thực của Việt Nam giai đoạn 2000-2014: Cách tiếp cận từ mô hình tỷ giá hiệu lực cân bằng” của sinh viên Hoàng Minh Trí (lớp QH-2011-E KTQT), TS. Nguyễn Cẩm Nhung hướng dẫn.

Nghiên cứu đã tiến hành ước lượng tỷ giá hiệu lực cân bằng trong dài hạn và tính toán mức độ sai lệch của tỷ giá thực REER thông qua mô hình đồng tích hợp. Theo đó, tính đến quý 4 năm 2014, Việt Nam đồng đã bị định giá cao so với giá trị thực khoảng 16,85%. Bên cạnh đó, bằng việc sử dụng mô hình tự hồi quy theo vector (VAR) với độ trễ 1 quý, nghiên cứu đã chỉ ra những yếu tố đóng vai trò quan trọng giải thích sự sai lệch của tỷ giá thực. Trong số đó, quy mô cung tiền M2 là biến có mức độ giải thích tương đối cao. Mặt khác, Nhà nước có thể quản lý và điều chỉnh cung tiền dễ dàng hơn so với các yếu tố vĩ mô còn lại. Bằng việc tính toán hàm phản ứng IRFs và hệ số mức chuyển, nghiên cứu đã đề xuất một số biện pháp để giảm thiểu độ sai lệch tỷ giá, trong đó phải kể đến khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tăng quy mô cung tiền thêm 6,12% nhằm đưa tỷ giá thực quay trở về trạng thái cân bằng dài hạn.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐHQGHN, TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT và PGS.TS Vũ Văn Tích - Trưởng ban Khoa học và Đào tạo - ĐHQGHN chụp ảnh lưu niệm cùng SV Hoàng Minh Trí

Với những kết quả nghiên cứu được đánh giá tốt, công trình của Hoàng Minh Trí cũng là một trong hai công trình giành được giải Nhì tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học Trường ĐHKT năm học 2014-2015. Thành tích lần này thêm phần khẳng định chất lượng nghiên cứu khoa học sinh viên nói riêng và hoạt động nghiên cứu nói chung của Trường ĐHKT - ĐHQGHN.

Năm 2015, số công trình được giải thưởng cấp ĐHQGHN là 21. Trong đó:
- Nhóm lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn (8 giải): 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba và 3 giải Khuyến khích.
- Nhóm lĩnh vực Khoa học Tự nhiên - Y, Dược (4 giải): 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 2 giải Ba.
- Nhóm lĩnh vực Khoa học Kỹ thuật Công nghệ (5 giải): 1 giải Nhất, 2 giải Nhì và 2 giải Ba.


- Nhóm lĩnh vực Khoa học liên ngành (4 giải): 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích.

Đỗ Chiêm (Tổng hợp)