Trang tin tức sự kiện
 
"Handbook for Economics Lecturers": Phương pháp giảng dạy của giảng viên Trường ĐHKT đã và đang được đổi mới mạnh mẽ

34 giảng viên nhà trường tham gia đợt chia sẻ thứ 2
Sau thành công của đợt 1, chương trình “Chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng và phương pháp giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN” đã được tiếp tục tổ chức đợt hai trong 2 ngày 30 và 31/7.


Chương trình nằm trong định hướng chiến lược nâng cao chất lượng giảng viên và quốc tế hóa giáo dục của Nhà trường. Đợt 1 của Chương trình đã diễn ra ngày 9 và 10/7 với 30 giảng viên tham dự, đợt 2 này thu hút 34 giảng viên tham dự

Nội dung, cấu trúc chương trình được thiết kế dựa trên tham khảo cuốn "Handbook for Economics Lecturers" được viết bởi các nhà khoa học ở Anh. Các giảng viên xuất sắc của Nhà trường - những người sẽ chia sẻ trong chương trình này nghiên cứu cuốn sách, kết hợp với những kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, đã tích cực trao đổi với các đồng nghiệp những thông tin hữu ích.

Nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường: Quốc tế hóa giáo dục

Mở đầu buổi chia sẻ, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường trong thời gian tới là quốc tế hóa giáo dục và cho rằng, hầu hết các giảng viên Nhà trường đều đã học và làm việc ở các nước tiên tiến trên thế giới, giờ là lúc các giảng viên cần phải tích cực lan tỏa và chia sẻ kinh nghiệm quý báu đó cho đồng nghiệp. Nhà trường sẽ không ngừng đầu tư để nâng cao chất lượng giảng viên, từ đội ngũ giảng viên có chất lượng sẽ đào tạo ra được lớp lớp sinh viên giỏi, năng động, có thể làm việc như những công dân toàn cầu.

 
 

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ

Ông cũng nhấn mạnh ý nghĩa những giá trị cốt lõi của Nhà trường gồm khuyến khích sáng tạo, nuôi dưỡng say mê; tôn trọng sự khác biệt, thúc đẩy hợp tác; coi trọng chất lượng, hiệu quả; đảm bảo hài hòa, phát triển bền vững. Chiến lược phát triển Trường đến năm 2022 là trở thành một trong những trường đại học định hướng nghiên cứu ứng dụng hàng đầu Việt Nam; đạt tiêu chuẩn kiểm định trong nước, được xếp hạng ngang tầm với một số đại học tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á trong một số ngành, chuyên ngành và lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, tư vấn về kinh tế, tài chính, quản lý và quản trị kinh doanh. Để thực hiện được điều này, Trường sẽ có 8 định hướng hành động, 7 nhóm giải pháp và hệ thống KPI cụ thể từng năm. Theo ông, mục đích quan trọng nhất khi áp dụng công vụ KPI chính là để cùng nhau thực hiện mục tiêu chung, nâng tầm Nhà trường, hướng đến quốc tế hóa và tự chủ đại học.

Cách thức xây dựng bài giảng và hướng dẫn hội thảo; phương pháp kiểm tra và đánh giá kết quả học tập; xây dựng môi trường học tập ảo.

Là một giảng viên nổi tiếng được rất nhiều sinh viên yêu quý, kể cả sinh viên nước ngoài (do đã thỉnh giảng ở nhiều nước trên thế giới), PGS.TS Nguyễn Việt Khôi – Phó chủ nhiệm Khoa KT&KDQT đã chia sẻ về các chuyên đề: Cách thức xây dựng bài giảng và hướng dẫn hội thảo, Phương pháp kiểm tra và đánh giá kết quả học tập, Xây dựng môi trường học tập ảo.

Trong các phương pháp mà PGS.TS Nguyễn Việt Khôi đưa ra, đáng chú ý là tăng cường thực hành trên lớp và đẩy mạnh thực tập, thực tế. Theo ông, trên lớp giảng viên nên tạo ra nhiều tình huống thực hành cho sinh viên, tùy vào “chất” riêng của mỗi giảng viên có thể tạo mini game, diễn kịch, tiểu phẩm, ca hát để tạo sự sôi động cho lớp học, kéo được toàn bộ sinh viên trong lớp tham gia hoạt động.

 
 

PGS.TS. Nguyễn Việt Khôi chia sẻ

Ngoài ra, ông nhấn mạnh đến môi trường học tập trực tuyến và cho đây chính là xu thế của tương lai. Ông đã chỉ ra các yếu tố quan trọng của môi trường học tập trực tuyến đó là Bổ sung tài nguyên, Thường xuyên cập nhật thêm nhiều văn bản và tài nguyên, Khuyến khích sự tham gia, Tạo tư duy trách nhiệm, Tóm tắt ý chính và Đánh giá học viên. Có đầy đủ các yếu tố này thì sẽ xây dựng được môi trường học tập trực tuyến hiện đại và cho hiệu suất rất tốt.

Giảng dạy gắn với mô phỏng trò chơi và đóng vai; xây dựng, triển khai bài tập tình huống

Tiếp nối chương trình là phần chia sẻ về chủ đề “Giảng dạy gắn với mô phỏng trò chơi và đóng vai” và “Xây dựng và triển khai bài tập tình huống” của PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa TCNH, người từng có kinh nghiệm tư vấn cho Ngân hàng Thế giới, rất có uy tín đối với hầu hết các ngân hàng lớn tại Việt Nam và TS. Hồ Chí Dũng - Chủ nhiệm Bộ môn Marketing, chuyên gia nổi tiếng về Marketing. Các giảng viên chia sẻ cho rằng việc mô phỏng trò chơi và xây dựng bài tập tình huống sẽ làm cho bài giảng sinh động hơn, hấp dẫn hơn, làm cho sinh viên vừa học vừa chơi không bị đè nặng nhiều lý thuyết khô khan, giúp sinh viên chủ động trong việc học tập bởi vì sinh viên tự cảm thấy thích thú với môn học.

 
 

PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú chia sẻ

 

TS. Hồ Chí Dũng chia sẻ

Thực hành ngay trong buổi chia sẻ, PGS.TS Trần Thị Thanh Tú và TS. Hồ Chí Dũng đã chia học viên thành các nhóm và mô phỏng trò chơi. Các tình huống đưa ra vừa thú vị lại thực tiễn mang nhiều kiến thức chuyên môn, đồng thời nhiều thầy cô vốn chuyên đặt tình huống cho học trò nay được đóng vai làm học trò và thử thách ở vị trí mới, phương pháp này giúp cho người học tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên, không gò bó, cưỡng ép và phát huy được tối đa khả năng tư duy, sáng tạo.

Qua đây, PGS.TS Trần Thị Thanh Tú và TS. Hồ Chí Dũng cũng cho rằng, nên để cho cả sinh viên nghĩ ra tình huống ở nhà trước sau đó lên lớp giảng viên sẽ là người chơi cùng sinh viên không nhất thiết giảng viên phải là người đưa ra tình huống, đó có thể là một dạng bài tập về nhà.

Tâm thế giảng viên. Phương pháp học tập dựa theo giải quyết vấn đề

Với 2 chuyên đề "Tâm thế giảng viên" và "Phương pháp học tập dựa theo giải quyết vấn đề", PGS.TS Nguyễn Đăng Minh - Phó Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, chuyên gia hàng đầu về Quản trị tinh gọn, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Quản trị tinh gọn tại Việt Nam - đường tới thành công” đã làm tăng thêm lòng tự hào trong mỗi người giảng viên khi làm nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Ông chỉ ra rằng trong xã hội có rất nhiều nghề, mỗi người một công việc, có công việc làm ra nhiều tiền, công việc làm ra ít nhưng đối với nghề nhà giáo thước đo của nghề này là sự thành công của sinh viên chứ không hẳn là các giá trị vật chất.

 
 

PGS.TS Nguyễn Đăng Minh chia sẻ

Ông cho rằng "Tâm thế" chính là Thấu 1, Thấu 2 và Ý. Thấu 1 tức là thấu hiểu công việc mà mình thực hiện là có ích cho bản thân mình, Thấu 2 là thấu hiểu rằng con người chỉ có làm thật công việc mới nâng cao được năng lực tư duy và năng lực làm việc của bản thân, Ý là con người cần có ý thức, thái độ, đạo đức với công việc để soi đường thực hiện hai thấu trên. Qua đó, ông cũng nhấn mạnh rằng, tuy là giảng viên nhưng chúng ta luôn phải học hỏi và lắng nghe sinh viên, bởi tri thức là vô tận, không có ai là hoàn hảo cả, chúng ta phải học mọi lúc mọi nơi, học từ sinh viên, học từ đồng nghiệp, học từ tất cả mọi người trong xã hội.

TS. Nguyễn Thế Kiên - Giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển cho biết: Tôi học ở Trung Quốc về, cũng đã giảng dạy nhiều năm nhưng qua chương trình này tôi cảm thấy vẫn học hỏi được rất nhiều từ đồng nghiệp. Hơn nữa, tôi còn hiểu hơn về văn hóa, về yêu cầu đổi mới của Nhà trường trong bối cảnh mới. Chúng tôi thực sự cảm thấy hào hứng với những gì đang diễn ra trong Trường và ngay trong từng bài giảng mà chúng tôi sẽ dành cho các em sinh viên trong năm học mới.

Kết thúc 2 đợt của chương trình, các giảng viên Trường ĐHKT đều có cảm nhận chung đó là sự thay đổi mạnh mẽ, sự hiện đại hóa và quốc tế hóa mạnh mẽ trong phương pháp giảng dạy của các giảng viên của Nhà trường trong bối cảnh mới. Với thành công của chương trình lần này, Nhà trường dự kiến sẽ tổ chức các chương trình chia sẻ tiếp theo về kinh nghiệm, phương pháp công bố khoa học trên các tạp chí uy tín hàng đầu thế giới.

Một số hình ảnh của chương trình:

 
 
 
 
 
 
 
Các giảng viên phấn khởi trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm tại lớp.

Nguyễn Công