Trang tin tức sự kiện
 
Đánh giá chất lượng đồng cấp chương trình cử nhân CLC ngành TCNH

Sáng 28/11/2016, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã khai mạc chương trình Đánh giá chất lượng đồng cấp chương trình đào tạo (CTĐT) cử nhân chất lượng cao ngành Tài chính - Ngân hàng (TC-NH).


Tham dự lễ khai mạc, về phía Đoàn chuyên gia đánh giá chất lượng đồng cấp có TS. Trần Thị Hoài - Phó Viện trưởng, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐHQGHN) (Trưởng đoàn), ThS. Vũ Thị Mai Anh - Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (Thư ký) và PGS.TS. Phạm Quốc Khánh (Học viện Ngân hàng).

Về phía Trường ĐHKT có PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá CTĐT cử nhân chất lượng cao (CLC) ngành TC-NH; PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa TCNH và đại diện các phòng ban chức năng trong trường, các cán bộ giảng viên Khoa TCNH.

 
PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá CTĐT chất lượng cao ngành TC-NH phát biểu khai mạc chương trình.
 
 Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh: Các CTĐT của Trường ĐHKT được xây dựng trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD&ĐT ban hành, phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và chức năng, nhiệm vụ của Trường, đồng thời gắn với nhu cầu học tập của người học, nhu cầu về nguồn nhân lực của thị trường lao động.

Việc rà soát, viết báo cáo tự đánh giá CTĐT nhằm mục đích:

- Xem xét thực trạng của CTĐT ở tất cả các lĩnh vực hoạt động (Trên cơ sở Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT các trình độ giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT ban hành).

- Tìm ra những điểm mạnh, điểm tồn tại, xác định những cơ hội và thách thức đối với chương trình.

- Đề xuất những kế hoạch hành động cụ thể nhằm tiếp tục phát huy những điểm mạnh và từng bước cải tiến những điểm còn tồn tại, nâng cao chất lượng các hoạt động của CTĐT.

- Đăng ký kiểm định chất lượng CTĐT và hướng tới thực hiện kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn kiểm định CTĐT của AUN-QA hoặc theo thông tư 04 của Bộ GD&ĐT.

Kết quả tự đánh giá CTĐT cử nhân TCNH hệ CLC của Khoa TCNH đạt chuẩn theo Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục CTĐT các bậc đại học của Bộ GD&ĐT, với việc xác định rõ các điểm mạnh và một số tồn tại trong triển khai thực hiện. Dựa vào đó, Khoa TCNH sẽ tiếp tục đề xuất các giải pháp khắc phục những thiếu sót, từng bước cải tiến và nâng cao chất lượng toàn diện, tiến tới đạt mục tiêu đào tạo cử nhân CLC ngành TCNH có trình độ cao.

Trường ĐHKT và Khoa TCNH kỳ vọng kết quả đánh giá ngày hôm nay sẽ giúp Trường/Khoa đặt tiền đề vững chắc cho việc phát triển chương trình theo hướng tự chủ về học thuật, đáp ứng yêu cầu của Bộ GD&ĐT và của ĐHQGHN.

 
TS. Trần Thị Hoài (Bên trái) - Trưởng đoàn Chuyên gia đánh giá chất lượng đồng cấp CTĐT cử nhân CLC ngành TCNH cho biết: Mục tiêu của chương trình đánh giá lần này nhằm giúp Trường ĐHKT tìm ra những điểm mạnh, khắc phục những hạn chế để ngành TCNH hệ CLC ngày càng đào tạo tốt hơn.
 
 Thay mặt tập thể, cán bộ giảng viên Khoa TCNH, PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa TCNH đã trình bày tóm tắt Báo cáo tự đánh giá CTĐT cử nhân CLC ngành TC-NH.

 

 PGS. TS. Trần Thị Thanh Tú, Chủ nhiệm Khoa TCNH trình bày Báo cáo tóm tắt về CTĐT hệ cử nhân CLC ngành TC-NH.

 
Báo cáo nêu bật các nội dung như: Mục tiêu và chuẩn đầu ra của CTĐT, bản mô tả chương trình đào tạo, cấu trúc và nội dung CTĐT, phương pháp tiếp cận trong dạy và học, đánh giá kết quả học tập của người học, đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên, người học và hoạt động hỗ trợ người học…

Sau phiên khai mạc, đoàn đánh giá sẽ triển khai đánh giá các minh chứng tại Khoa TCNH và tổ chức phỏng vấn Ban giám hiệu, lãnh đạo các phòng ban chức năng, phỏng vấn sinh viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng...

Dự kiến, chương trình đánh giá chất lượng đồng cấp CTĐT cử nhân CLC ngành TC-NH sẽ diễn ra trong hai ngày, từ 28/11 đến hết ngày 29/11/2016.

 
 Một số điểm mạnh của CTĐT CLC ngành TC-NH

1. Mục tiêu của chương trình thể hiện rõ tính khác biệt của sản phẩm đào tạo là hướng tới đào tạo cử nhân CLC trong lĩnh vực TCNH, có thể tiếp tục tự học, tham gia học tập ở bậc học cao hơn, tích lũy kinh nghiệm để trở thành nhà lãnh đạo, chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực TCNH.

2. Bản mô tả CTĐT phản ánh rõ mục tiêu đào tạo, có đầy đủ các thông tin chỉ dẫn về phương pháp dạy - học chủ đạo, các yêu cầu cụ thể cho từng hoạt động đào tạo… để hướng dẫn người học đạt được chuẩn đầu ra như tuyên bố.

3. CTĐT có cấu trúc phù hợp, cho thấy sự cân đối giữa kiến thức, kỹ năng cơ bản với kiến thức, kỹ năng chuyên ngành. CTĐT đã kết hợp được thế mạnh của Khoa TCNH và cập nhật với chương trình của một đại học có uy tín cao trên thế giới.

CTĐT có tính thực tiễn cao, kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức tài chính… nhằm tạo cơ hội cho sinh viên (SV) kiến tập từ năm thứ 3 và thực tập thực tế từ năm thứ 4.

4. Chương trình chú trọng phát triển kiến thức thông qua học tập bằng hành động nhằm giúp SV thu nhận được những kinh nghiệm thực tế về TCNH tại các doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tín dụng…

5. Việc kiểm tra, đánh giá SV được tiến hành khoa học, đảm bảo sự khách quan và công bằng. Hình thức kiểm tra đa dạng, cho phép đánh giá các kỹ năng khác nhau của SV.

6. Chất lượng đội ngũ GV tham gia giảng dạy: 73,3% cán bộ giảng dạy cho Chương trình có học vị TS hoặc chức danh PGS theo lĩnh vực được phân công giảng dạy. 100% giảng viên có thể giảng bài và hướng dẫn sinh viên bằng tiếng Anh.

7. Hình thành năng lực NCKH cho SV: Nhiều đề tài NCKH của SV có kết quả tốt đạt giải cấp Bộ GD&ĐT, cấp ĐHQGHN và cấp Trường ĐHKT.

8. Tỷ lệ SV tốt nghiệp ra trường tương đối cao, đạt 75%.

9. Thực hiện xây dựng kế hoạch và các giải pháp cải tiến nâng cao chất lượng CTĐT và các hoạt động hỗ trợ người học thông qua ý kiến phản hồi của các bên liên quan.


Lương Hường và Trung tâm ĐBCLGD