Thu Huyền: Đây là một đề tài nghiên cứu rất mới ở Việt Nam nên khó khăn là điều không tránh khỏi. Hầu hết các tài liệu liên quan đều được viết bằng tiếng Anh, có rất nhiều thuật ngữ khó hiểu mà chúng em không tìm được trong các tài liệu tiếng Việt tương ứng. Với những tài liệu trong nước, nhóm thường phải tìm đến gặp những chuyên gia trong lĩnh vực tiêu dùng và môi trường để xin cung cấp. Thời điểm khó khăn hơn cả có lẽ là quá trình thu thập phiếu điều tra khảo sát. Nhóm nghiên cứu chỉ có 2 người, nhưng đặt ra mục tiêu thu thập được 300 phiếu điều tra hoàn thiện trong vòng 1 tháng là một công việc không hề dễ, nhất là bảng hỏi chi tiết đến 8 mặt A4, rất nhiều người ngại trả lời. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy hướng dẫn, các chuyên gia và người tiêu dùng, cả nhóm đã vượt qua được những thách thức này.
Ngọc Ánh: Với đề tài này, chúng em cũng đã nhận được những ý kiến cho rằng không khả thi, quá tầm. Nhiều lúc chúng em cũng rất chán nản và mất phương hướng, có lúc muốn từ bỏ nhưng cả hai đã động viên lẫn nhau, cùng nhau phân tích những vấn đề tồn tại trong quá trình thực hiện để tìm cách khắc phục. Ngoài ra khi làm nghiên cứu cũng cần thuyết phục được người khác với những điều mình đưa ra. Đây là một điều không dễ. Chúng em đã rất nhiều lần không thể trả lời các câu hỏi của thầy hướng dẫn và không giải thích được những gì chúng em làm là đúng. Từ đó đã giúp em hiểu một điều rằng khi đưa ra một quan điểm, nhận định gì cần thực sự hiểu và có những minh chứng cho điều đó. Mọi thứ đúng sai đều cần có căn cứ khoa học và biết phản biện những lập luận để tìm ra cốt lõi vấn đề.
PV: Từ khi đạt giải cấp Trường, nhóm có tiếp tục phát triển và hoàn thiện đề tài hơn?
Thu Huyền: Từ những đánh giá của các Hội đồng khác nhau, nhóm nghiên cứu đã dần hoàn thiện cũng như phát triển các kết quả khoa học của đề tài. Đến nay, 3 bài báo đã được đăng trên các tạp chí khoa học:
Kinh tế và Chính trị thế giới;
Kinh tế và Phát triển. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đã có bài báo cáo về
“Xây dựng công cụ điều tra khảo sát để tìm hiểu thực trạng tiêu dùng xanh và các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng xanh” tại Hội thảo Việt Nam học lần thứ 4 diễn ra tháng 11/2012 tại Hà Nội. Đồng thời, đề tài nghiên cứu cũng đã đạt giải Khuyến khích giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ” của Bộ GD&ĐT, cũng như được phản biện tại vòng Bán kết Olympia dành cho sinh viên đại học lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 1/2013 vừa qua.
Ngọc Ánh: Nhóm em cùng thầy giáo hướng dẫn cũng đang trong quá trình hoàn thiện thêm và gửi bài đi đăng trên tạp chí quốc tế.
PV: Nhóm có thể chia sẻ hay nhắn nhủ gì đến các sinh viên ĐHKT về nghiên cứu khoa học?
Thu Huyền: Nghiên cứu khoa học, trước hết bạn cần có đam mê. Thiếu đi niềm đam mê và niềm tin cho nó, bạn sẽ khó có thể theo đuổi đến cùng. Đôi khi, bạn có thể làm nó một mình, nhưng tốt hơn, là hãy chọn một người bạn đồng hành thật tốt, người sẽ cùng bạn đi qua những khó khăn, sẽ cùng bạn tranh luận và tìm hiểu đến tận cùng của vấn đề. Với nghiên cứu, sẽ có rất nhiều tài liệu phải đọc, nhiều nơi phải đi, nhiều đêm phải thức trắng, nhưng chính những phút giây đó và kết quả mà bạn không đoán trước được sẽ là những bài học và món quà quý giá nhất mà nghiên cứu khoa học đem đến. Sau quá trình nghiên cứu ấy, bạn sẽ có được cái nhìn khoa học và logic với mọi thứ, tư duy độc lập, phản biện, biết tự tạo niềm hứng khởi và ý chí cố gắng dù đến phút cuối cùng…
Ngọc Ánh: Một điều rất quan trọng nữa theo em là luôn biết tìm sự giúp đỡ và tư vấn từ thầy cô, anh chị và bạn bè tại Trường ĐHKT. Đây là một may mắn cho chúng em khi làm đề tài vì có được sự hỗ trợ này. Mặc dù chặng đường nghiên cứu đầy những gập ghềnh nhưng những gì thu lại được đáng để đánh đổi, vì vậy, hãy yêu và cháy cho những gì mỗi chúng ta muốn tìm ra câu trả lời. Em tin mọi sự nỗ lực sẽ được đền bù xứng đáng và không có một thành công nào ngẫu nhiên mà có được.
PV. Cảm ơn các em. Chúc các em mạnh khỏe, đạt nhiều thành tích mới trên con đường học tập vì ngày mai lập nghiệp.