Tham gia chương trình bồi dưỡng chuyên sâu tại Ấn Độ, với TS. Phạm Ngọc Hương Quỳnh, giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN không chỉ là một cơ hội nâng cao kiến thức chuyên môn mà còn là hành trình trải nghiệm văn hóa và giao lưu quốc tế ý nghĩa. Cùng nghe những trải nghiệm đáng nhớ của giảng viên sau khi kết thúc chuyến đi này!
TS. Phạm Ngọc Hương Quỳnh - Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN Tham gia chương trình bồi dưỡng chuyên sâu tại Ấn Độ được tổ chức bởi Trung tâm Quản trị Tốt Quốc gia Ấn Độ (NCGG) và tài trợ bởi Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam vào tháng 3/2025, đã trở thành một một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp học thuật và công tác của tôi. Đây không chỉ là cơ hội nâng cao kiến thức chuyên môn mà còn là hành trình trải nghiệm văn hóa, giao lưu quốc tế và tự khám phá bản thân trong một môi trường học tập hoàn toàn mới.
Ngay từ những ngày đầu, chương trình đã để lại ấn tượng mạnh mẽ nhờ sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành trong các lĩnh vực như quản lý đất đai và thuế tiêu thụ đặc biệt. Các buổi học không chỉ đơn giản là các bài giảng lý thuyết, mà còn là những cuộc trao đổi chuyên sâu với các chuyên gia, nơi tôi không chỉ học hỏi mà còn được thảo luận và chia sẻ những góc nhìn từ thực tế Việt Nam. Đặc biệt, các chuyến tham quan thực tế trong suốt chương trình đã mang đến những trải nghiệm quý giá, giúp tôi hiểu rõ hơn cách thức ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn quản lý tại Ấn Độ.

Tầm quan trọng của Chương trình và lợi ích cho Việt Nam
Chương trình bồi dưỡng tại Ấn Độ không chỉ giúp tôi nâng cao kiến thức chuyên môn mà còn mở rộng tầm nhìn về các mô hình quản lý tiên tiến, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý đất đai, thuế và tài chính công. Những kiến thức và kinh nghiệm này có thể được áp dụng để cải cách và hiện đại hóa hệ thống quản lý công tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững trong các lĩnh vực này.
Thông qua các chuyến tham quan thực tế và giao lưu quốc tế, tôi đã học hỏi được nhiều giải pháp hiệu quả mà các quốc gia khác đang áp dụng. Những bài học này sẽ là cơ sở để tôi phát triển các nội dung giảng dạy cho sinh viên, cũng như đóng góp vào công tác đổi mới và cải cách trong quản lý công, chính sách công tại Việt Nam, giúp xây dựng một hệ thống quản lý minh bạch và hiệu quả hơn.
Những chuyến tham quan ấn tượng
Một trong những điểm nhấn nổi bật của chương trình là các chuyến tham quan thực tế tại các cơ sở quản lý tại Ấn Độ. Chuyến thăm Trung tâm Hồ sơ Địa chính Điện tử tại Dehradun đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc về mô hình quản lý đất đai hiện đại và hiệu quả. Không gian làm việc tại đây được trang bị công nghệ hiện đại, với hệ thống lưu trữ và truy xuất hồ sơ hoàn toàn số hóa, cùng quy trình vận hành chuyên nghiệp, mang lại một mô hình quản lý minh bạch và đáng tin cậy. Tôi đã có cơ hội quan sát trực tiếp cách công nghệ thông tin được tích hợp vào công tác quản lý địa chính, giúp giảm thiểu sai sót và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Một điều khiến tôi ấn tượng là đội ngũ cán bộ tại trung tâm không chỉ có chuyên môn cao mà còn rất nhiệt tình trong việc chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp mọi thắc mắc của chúng tôi về quy trình, kỹ thuật và những khó khăn trong việc triển khai hệ thống.

Chuyến tham quan Vụ Tài nguyên Đất đai thuộc Bộ Phát triển Nông thôn Ấn Độ đã mang đến cho tôi một cái nhìn rõ nét hơn về vai trò của Chính phủ trong việc xây dựng và điều phối các chính sách quản lý đất đai ở cấp quốc gia. Tôi đặc biệt ấn tượng với cách họ thúc đẩy các chương trình cải cách hồ sơ địa chính và hỗ trợ các bang hiện đại hóa hệ thống quản lý thông qua các gói tài chính và kỹ thuật cụ thể. Các buổi trình bày của cán bộ cấp cao tại đây không chỉ cung cấp thông tin giá trị mà còn truyền cảm hứng về một mô hình quản lý linh hoạt, năng động và luôn hướng tới phục vụ người dân một cách hiệu quả.

Một trải nghiệm đáng nhớ khác trong chuyến đi là cơ hội tham quan Học viện Quốc gia về Hải quan, Thuế gián thu và Ma túy tại Faridabad. Chúng tôi được giới thiệu về các phòng mô phỏng kiểm tra hàng hóa, khu huấn luyện thực hành, cùng quy trình quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt trong bối cảnh thực tiễn. Những câu chuyện thực tế mà các giảng viên chia sẻ về hành trình điều tra gian lận thuế, xử lý vi phạm và cải tiến phương thức thu thuế đã giúp tôi nhận thức rõ hơn sự phức tạp và tính cấp thiết của việc hiện đại hóa hệ thống quản lý tài chính công.

Trải nghiệm văn hoá và giao lưu quốc tế
Ngoài các hoạt động chuyên môn, chương trình còn mang đến cho tôi cơ hội trải nghiệm văn hóa và con người Ấn Độ. Một trong những khoảnh khắc tôi không thể quên là buổi lễ hội sắc màu Holi – một không gian rực rỡ, nơi mọi người, không phân biệt quốc tịch, tôn giáo hay công việc, đều hòa mình vào điệu nhảy, tung bột màu và cùng nhau tận hưởng niềm vui. Không khí đó đã xóa nhòa mọi khoảng cách, khiến tôi cảm thấy mình thực sự là một phần của cộng đồng quốc tế, cùng nhau học hỏi và phát triển.
Tham gia buổi lễ hội sắc màu Holi
Những buổi giao lưu quốc tế cũng là một phần không thể thiếu trong hành trình đáng nhớ này. Tôi có cơ hội gặp gỡ các đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia khác nhau, từ châu Phi đến Đông Nam Á, và lắng nghe câu chuyện của họ về quản lý đất đai, thuế và phát triển bền vững tại đất nước của họ. Những cuộc trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm đã mở ra cho tôi những góc nhìn mới, giúp tôi nhận ra rằng mỗi quốc gia đều có những khó khăn riêng, nhưng cũng có những giải pháp sáng tạo có thể học hỏi và áp dụng linh hoạt vào thực tiễn của Việt Nam.

Tham quan tại Mussoorie và Taj MahalChuyến tham quan Mussoorie – nơi được mệnh danh là “nóc nhà của miền Bắc Ấn Độ” – đã mang đến cho tôi cơ hội tiếp cận sâu hơn với hệ sinh thái và văn hóa bản địa. Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ cùng không khí trong lành tại đây tạo điều kiện lý tưởng để tôi đánh giá lại những trải nghiệm chuyên môn và văn hóa đã tích lũy được. Đây cũng là dịp để tôi xác định phương hướng áp dụng các bài học về quản lý tài nguyên và phát triển bền vững vào thực tiễn công việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chuyến đi đến Taj Mahal – một trong những di sản văn hóa thế giới – đã giúp tôi hiểu rõ hơn mối liên hệ giữa lịch sử, kiến trúc và giá trị nhân văn trong các chính sách bảo tồn di sản. Trải nghiệm này không chỉ củng cố kiến thức chuyên môn mà còn giúp tôi hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc gìn giữ yếu tố văn hóa – xã hội trong công cuộc phát triển.

Khép lại hành trình, tôi nhận thấy mình không chỉ mang về những hiểu biết chuyên môn mà còn tích luỹ thêm những trải nghiệm quý giá, mở rộng tầm nhìn. Sự đa dạng trong nội dung, sự chu đáo trong tổ chức, và sự gần gũi trong giao tiếp đã tạo nên một chương trình đào tạo toàn diện và tràn đầy cảm hứng. Những trải nghiệm tại Ấn Độ không chỉ giúp tôi trưởng thành về mặt chuyên môn, mà còn khơi dậy niềm tin rằng sự đổi mới và phát triển bền vững hoàn toàn khả thi nếu chúng ta kiên trì học hỏi, hợp tác và hành động vì lợi ích cộng đồng.

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN luôn đặt trong tâm vào việc tạo điều kiện tối ưu, mở ra cơ hội giúp đội ngũ giảng viên tiếp cận môi trường học thuật quốc tế, nâng cao trình độ chuyên môn và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Thông qua những chương trình đào tạo quốc tế, Nhà trường mong muốn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giảng viên và phát triển tầm nhìn chiến lược thông qua việc thấu hiểu thực tiễn quốc tế, từ đó định hình góc nhìn đa chiều trong công tác giảng dạy và nghiên cứu.
TS. Phạm Ngọc Hương Quỳnh - Khoa Kinh tế Chính trị; Biên tập: UEB Media