Già hóa dân số là kết quả tất yếu của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học do tỉ lệ sinh giảm và tuổi thọ ngày càng tăng ở nhiều quốc gia. Quá trình này đặt ra nhiều thách thức lớn cho hệ thống an sinh xã hội, thị trường lao động và dịch vụ chăm sóc y tế, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số cũng mở ra nhiều cơ hội kinh tế mới trong các lĩnh vực như y tế, tài chính, du lịch-giải trí. Đây là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm và nếu được khai thác hiệu quả sẽ tạo nên một nền kinh tế có giá trị cao đến từ đối tượng người cao tuổi, hay còn gọi là “kinh tế bạc”.
Nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách và định hướng phát triển phù hợp với xu thế già hóa dân số, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện đề tài "Phát triển nền kinh tế bạc: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam" (mã số KT.24.06). Mục tiêu chính của đề tài bao gồm:
- Phân tích chính sách phát triển kinh tế bạc tại một số quốc gia phát triển.
- Đánh giá tiềm năng phát triển các sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao tuổi tại Việt Nam.
- Đề xuất chính sách phát triển nền kinh tế bạc tại Việt Nam.
Qua quá trình thu thập dữ liệu và phân tích chính sách phát triển kinh tế bạc tại các quốc gia đang đối mặt với già hóa dân số như Nhật Bản, Canada và Italia, nhóm nghiên cứu đã rút ra 4 đặc điểm chung trong chính sách có giá trị tham khảo đối với Việt Nam. Trước hết, các quốc gia đang đối mặt với già hóa dân số xác định người cao tuổi không chỉ là đối tượng thụ hưởng an sinh xã hội mà còn là lực lượng đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, từ đó xây dựng các chính sách khuyến khích người cao tuổi tiếp tục tham gia thị trường lao động theo nguyện vọng. Thứ hai, chính phủ chú trọng đầu tư vào hệ thống y tế và dịch vụ chăm sóc dài hạn, đồng thời thúc đẩy phát triển hạ tầng đô thị và giao thông phù hợp với nhu cầu của người cao tuổi. Thứ ba, các quốc gia này đều ưu tiên phát triển các sản phẩm, dịch vụ chuyên biệt dành cho nhóm dân số cao tuổi, từ y tế, tài chính, nhà ở đến giải trí và công nghệ hỗ trợ. Cuối cùng, sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công và tư nhân trong việc nghiên cứu, cung ứng sản phẩm và dịch vụ cho người cao tuổi là một yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế bạc.
Phỏng vấn các chuyên gia đến từ Đan MạchĐể mang tới giá trị thực tiễn cao, đề tài đã tiến hành tham vấn ý kiến các chuyên gia nước ngoài là các giảng viên đến từ các cơ sở giáo dục uy tín cũng như phỏng vấn các cá nhân trong nước có kinh nghiệm cung cấp sản phẩm dịch vụ cho đối tượng là người cao tuổi. Theo nhận định của các chuyên gia, già hóa dân số, bên cạnh những thách thức, cũng mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, đặc biệt trong ba lĩnh vực trọng điểm bao gồm y tế – chăm sóc sức khỏe, giải trí – du lịch, và tài chính – bảo hiểm.
Các chuyên gia trong nước chia sẻ về sản phẩm dịch vụ tiềm năng cho người cao tuổiKết quả khảo sát đánh giá về nhu cầu của người cao tuổi Việt Nam trong 3 lĩnh vực trên cho thấy một số sản phẩm dịch vụ có nhiều tiềm năng với nhu cầu cao ở thị trường Việt Nam. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe – y tế, các dịch vụ có tiềm năng phát triển bao gồm chăm sóc và điều trị tại các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe tại gia đình, sản phẩm thiết bị hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Trong lĩnh vực giải trí – du lịch, các dịch vụ còn nhiều cơ hội phát triển bao gồm các dịch vụ phục vụ thể dục thể thao, du lịch và kết nối bạn bè. Trong lĩnh vực tài chính – bảo hiểm, các dịch vụ như tư vấn tài chính và các loại bảo hiểm dành cho người cao tuổi cũng có nhu cầu cao. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sự khác biệt giữa khu vực thành thị và nông thôn trong khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ dành cho người cao tuổi vẫn còn khá rõ nét. Ở đô thị, người cao tuổi có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại, trung tâm chăm sóc sức khỏe, các sản phẩm tài chính và hoạt động giải trí tốt hơn. Điều này tạo nên khoảng cách về chất lượng sống và khả năng tiếp cận dịch vụ giữa người cao tuổi ở hai khu vực, đòi hỏi chính sách cần chú trọng hơn đến tính bao trùm trong phát triển kinh tế bạc.
Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu đề xuất 4 định hướng chính sách nhằm phát triển nền kinh tế bạc tại Việt Nam. Thứ nhất, ngành y tế cần tập trung cải thiện chất lượng và mạng lưới cơ sở chăm sóc y tế cho người cao tuổi, đặc biệt chú trọng đến các hình thức sản phẩm dịch vụ tiềm năng như chăm sóc dài hạn, chăm sóc tại nhà và y tế số. Thứ hai, nhà nước cần có chủ trương thúc đẩy doanh nghiệp và các địa phương tập trung thiết kế các dịch vụ du lịch-giải trí chuyên biệt dành cho người cao tuổi. Thứ ba, việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính dành cho người cao tuổi là cần thiết, đặc biệt là các dịch vụ tư vấn tài chính và các loại hình bảo hiểm đi kèm với việc nâng cao nhận thức về kế hoạch tài chính cho người cao tuổi. Thứ tư, người cao tuổi nên được khuyến khích tham gia vào thị trường lao động theo nguyện vọng cá nhân để phát huy kinh nghiệm và tăng cường sự tham gia tích cực vào nền kinh tế nước nhà.
Nghiên cứu nằm trong khuôn khổ đề tài tư vấn chính sách, được tài trợ bởi Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Nghiên cứu có sự tham gia của TS. Hoàng Trọng Trường (chủ nhiệm đề tài), PGS.TS. Nguyễn Thu Hà, TS. Hoàng Đàm Lương Thúy, Lê Thị Kim Chi, Ngô Thị Dịu Hương đến từ Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, và TS. Lê Thị Tú Anh đến từ Trường Đại học Thương mại. Kết quả của nghiên cứu đã góp phần cung cấp một góc nhìn mới trong việc tận dụng tiềm năng của nhóm dân số cao tuổi, từ đó gợi mở các chính sách phát triển kinh tế trong bối cảnh mới. Việc phát triển nền kinh tế bạc không chỉ giúp giảm gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội, mà còn góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp dịch vụ, đổi mới sáng tạo và hướng tới một nền kinh tế bao trùm, thích ứng với già hóa dân số. Đây là hướng đi cần được chú trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những thập kỷ tới.