Phạm Minh Hiếu (19 tuổi), được top 4 đại học tốt nhất thế giới cấp học bổng du học. Ảnh: NVCC.
Phạm Minh Hiếu (19 tuổi) vừa được Stanford University (Mỹ), đứng thứ tư trong danh sách đại học hàng đầu thế giới, đồng ý cấp học bổng. Đại học Chicago, Columbia (top 15 thế giới) cũng mời Hiếu sang học.
Chia sẻ với VnExpress, Phạm Minh Hiếu (cựu học sinh chuyên Lý, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) cho biết, đang chuẩn bị sang Mỹ tham quan các trường cấp học bổng cho mình rồi mới quyết định chọn trường. Chuyến đi trong vòng 2 tuần này, Hiếu được Đại học Columbia và Stanford đài thọ chi phí.
"Em không nghĩ mình được nhận học bổng của Stanford University dù đã nỗ lực hết mình để chuẩn bị cả hồ sơ nghệ thuật và phải nộp toàn bộ hồ sơ trước deadline một tháng vì đây là một trường cực kỳ khó vào, thỉnh thoảng lắm mới nhận học sinh Việt Nam. Khi đọc được chữ Congratulations trong email trường gửi về, em run lên vỡ òa trong vui sướng", Hiếu kể.
Ngoài Stanford University, Phạm Minh Hiếu tìm đến Columbia University (thứ 14 thế giới), University of Chicago (thứ 11 thế giới) và một số đại học khác, như lựa chọn thứ yếu. Thật bất ngờ, em được hai trường này cấp học bổng. "Ngoài học bổng 270.000 USD, Đại học Columbia còn cho em 10.000 USD để phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học theo chương trình Egleston Scholars Program dành cho 20-30 sinh viên xuất sắc nhất trên tổng số khoảng 1.600 người được nhận vào học năm nay. Đó là sự ưu đãi rất lớn, khiến em phân vân với Stanford University - đại học có vị thế và danh tiếng cao hơn", Hiếu tâm sự.
Cả Stanford University, Chicago hay Columbia, Hiếu đều đăng ký ngành Kỹ thuật bởi đam mê Vật lý và nghệ thuật. Từ năm lớp 9 em đã bị môn học giúp giải thích các hiện tượng tự nhiên, đời sống, mê hoặc. Thi vào chuyên Lý của THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, suốt thời gian cấp 3, em dồn lực học tập, tìm tòi, nghiên cứu ở lĩnh vực này. Nhiều năm liền, Hiếu đạt giải Nhất, Nhì cuộc thi học sinh giỏi Vật lý cấp thành phố, giải Nhì học sinh giỏi Vật lý cấp quốc gia (năm 2014), giải Ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật ISEF quốc gia (năm 2013) và học bổng danh dự của THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Không giống hầu hết học sinh có dự định du học khác là nộp hồ sơ từ thời THPT, Hiếu dành ra một năm sau tốt nghiệp để khám phá bản thân, cuộc sống xung quanh, rồi mới đăng ký vào các trường. Thời gian này, em học thêm nhiếp ảnh, vẽ, âm nhạc và đến Viện Vật lý quốc gia học hỏi cùng các thầy để nghiên cứu, tìm hiểu thêm về ngành mà mình dự định học.
"Sau một thời gian chỉ biết đến học tập, em thấy mình như đã bỏ lỡ điều gì đó và chưa hiểu về cuộc sống xung quanh cũng như bản thân. Vì vậy, em quyết định dừng lại một năm để tìm hiểu xem mình thực sự là ai, mình muốn gì và cuộc sống này như thế nào", Hiếu chia sẻ.
Chuỗi những ngày thong dong đi bộ, chụp ảnh, học nghệ thuật, nghiên cứu... khiến Hiếu nhận ra mình vẫn đam mê Vật lý nhất, nhưng bởi trước đây đã sống quá gấp gáp và chỉ chú tâm đến các con số, nên em không cảm nhận được hết tầm quan trọng và tính ứng dụng thực tế của môn học này. Hiếu quyết định chọn ngành học Kỹ thuật như là sự kết hợp giữa Vật lý và Nghệ thuật, 2 niềm đam mê để đăng ký vào các trường.
Trước đó (tháng 12/2014), em mở một triển lãm sắp đặt kết hợp nghệ thuật với vật lý mang tên "Ở đây và bây giờ" nhằm nhấn mạnh lối sống vội vã đang làm con người hiện đại quên đi những vẻ đẹp xung quanh và chúng ta nên dành một chút thời gian ra khỏi cuộc sống bận rộn để nhận thấy những điều tốt đẹp mình bỏ lỡ. Triển lãm nhận được nhiều sự ngợi ca của dư luận.
Chia sẻ về phương châm "săn" học bổng của mình, Hiếu cho biết bảng điểm SAT, TOEFL đẹp, bài luận trau truốt, tham gia nhiều hoạt động cộng đồng... chưa phải tất cả để làm nên thành công. Với em, quan trọng là hiểu được mình là ai, thứ mình đam mê thực sự là gì và sự phù hợp của bản thân với phương châm, mục tiêu đào tạo của trường rồi thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy.
Theo Hiếu, các trường sẽ quan tâm đến cả quá trình hoạt động trong nhiều năm của học sinh thay vì khoảng thời gian ngắn. Vì thế, sự đồng bộ trong các hoạt động, vì một mục tiêu, một đam mê thực sự của bản thân, sẽ tạo được thế mạnh cho hồ sơ xin học bổng du học hơn việc tham gia nhiều sự kiện ngoại khoá không có liên quan, chỉ để làm đẹp cho hồ sơ.
Gia đình không ai theo nghiệp nghiên cứu, bố mẹ làm kinh doanh nhưng đam mê Vật lý của Phạm Minh Hiếu luôn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ nhiệt tình của bậc sinh thành. Những lúc thấy em học hành căng thẳng, cả nhà lại cùng nhau dạo bộ hồ Gươm cho thư giãn, dịp rảnh rỗi sẽ du lịch. "Bố mẹ luôn tôn trọng và ủng hộ đam mê của các con. Em gái em hiện cũng học chuyên Lý của THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, cùng anh nghiên cứu lĩnh vực này", Hiếu tâm sự.
Trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới do hai tạp chí danh tiếng U.S.News & World Report (Mỹ) và Times Higher Education (Anh) thực hiện hàng năm, năm 2014-2015 Stanford University đứng vị trí thứ 4, còn University of Chicago và Columbia University thuộc top 15. Những đại học này, nhất là Stanford, là niềm mơ ước của học sinh thế giới và có tỷ lệ chọi rất cao. Chỉ 5,05% hồ sơ được nhận vào Stanford University cho niên khoá 2015-2019 (thấp hơn cả Đại học Harvard với 5,9%). Trong khoảng 22.000 hồ sơ nộp vào Đại học Columbia mỗi năm, có 1.600 người được nhận. |
Quỳnh Trang - Vnexpress