Khi các bạn cùng trang lứa “xả hơi” sau kỳ thi căng thẳng thì Nguyễn Như Hậu lại lên giáo án để dạy cho các em học sinh khóa dưới. Chàng tân sinh viên Đại học Y Hà Nội còn tự mình sản xuất các clip giải toán đưa lên mạng để các em học sinh tiện theo dõi.
Nung nấu ước mơ trở thành bác sỹ
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Nguyễn Như Hậu (quê Thanh Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An) - chàng tân sinh viên ĐH Y Hà Nội là chiều cao ấn tượng 1m8. Không những “đỉnh” về chiều cao mà thành tích học tập của Hậu cũng khiến nhiều bạn học nể phục. Trong suốt 12 năm học, Hậu luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, năm học lớp 9 và 11 đạt giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Sinh học.
Ngoài thành tích học tập đáng nể, Hậu còn tích cực tham gia công tác Đoàn tại trường, năm học lớp 12 vừa qua, em được Đảng bộ Trường THPT Thanh Chương 1 giới thiệu tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.
Chàng tân sinh viên ĐH Y Hà Nội với chiều cao "khủng" Nguyễn Như Hậu (thứ 2 từ trái sang)
Tại kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Nguyễn Như Hậu là 1 trong 10 thí sinh đạt điểm 10 tuyệt đối môn Toán ở Cụm thi Vinh. Với 27,75 điểm khối B (cộng điểm ưu tiên là 28,75 điểm), Nguyễn Như Hậu đăng ký vào Trường ĐH Y Hà Nội, ngành Bác sỹ đa khoa. Kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1, Nguyễn Như Hậu xếp thứ 112/500 chỉ tiêu của ngành này. Như vậy, Hậu đã chính thức trở thành tân sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội.
Ước mơ trở thành một bác sỹ được nung nấu khi Hậu còn rất nhỏ. Lần đó, mẹ em bị bệnh nặng, phải nằm liệt giường 2 năm liền. Nhìn mẹ bị bệnh tật dày vò đau đớn, bố và các anh, chị bạc mắt trông nom thuốc thang, bồi dưỡng, Hậu nghĩ sau này mình nhất định phải trở thành bác sỹ, trước hết là để chăm sóc sức khỏe cho người thân, sau nữa là chữa bệnh cho tất cả mọi người. Hậu luôn tận dụng mọi cơ hội để hiểu thêm về các loại thuốc, từ tây y đến các bài thuốc dân gian. Hiện, chàng tân sinh viên ĐH Y có thể tự đi lấy thuốc cho người nhà trong trường hợp mọi người bị ốm nhẹ.
Mở lớp dạy thêm miễn phí cho học sinh khóa dưới
Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, thay vì nghỉ ngơi, xả tress sau những ngày ôn tập vất vả thì Nguyễn Như Hậu lại xin nhà trường mượn phòng học để mở lớp ôn tập hè miễn phí cho các em khóa dưới.
“Em “mê” ngành Y nhưng cũng thích Sư phạm mà giảng đường đại học thì chỉ có một chỗ nên em chọn Y. Ước mơ vào ngành Y khi có kết quả thi THPT quốc gia thì đã đạt được 90% rồi nên em có thời gian để thỏa niềm yêu thích đứng trên bục giảng. Hơn nữa, học Y rất vất vả, em phải tập cho mình khả năng chịu áp lực lớn. Nếu nghỉ ngơi, em sợ mình sẽ “lười” đi”, Hậu chia sẻ về việc xin mở lớp dạy thêm của mình.
Hậu không cho phép mình nghỉ ngơi vì sợ mình sẽ "lười" đi và không thích nghi được với việc học nhiều áp lực ở trường ĐH Y.
Lớp dạy thêm miễn phí của Hậu có 10 học sinh, giờ học do học sinh quyết định. “Các em rảnh khi nào thì em sẽ dạy khi đó. Có tuần lớp học cả 7 buổi chiều, có tuần chẳng học được buổi nào”, Hậu cho biết. Nếu học sinh không có thời gian để đến lớp thì Hậu lại có cách khác: dạy qua mạng internet. Với niềm đam mê Toán học, khả năng tự học cũng như hay tìm tòi, nghiên cứu, Hậu tự tìm ra những cách giải tối ưu nhất rồi quay clip, đẩy lên Youtube rồi dẫn lại trên trang facebook cá nhân của mình.
Tranh thủ những ngày sau kỳ thi, Nguyễn Như Hậu vùi đầu vào giải các bài toán khó, chia sẻ trên trang cá nhân để các em khóa sau tiện theo dõi và học tập.
Nguyễn Như Hậu chia sẻ: “Hồi trước em cũng học toán thông qua các diễn đàn trên mạng internet. Em nghĩ, với kinh nghiệm của mình có được, thông qua các bài giảng trên mạng internet thì sẽ giúp các em tiếp thu hiệu quả hơn, hơn nữa cũng tiết kiệm được thời gian, chi phí hơn”.
Đánh giá về việc làm của cậu học trò cũ, thầy giáo Trần Đình Hùng (Trường THPT Thanh Chương 1) nói: “Hậu là một học sinh có khả năng tự học, tự nghiên cứu cao. Tôi đánh giá cao việc em mở lớp phụ đạo cho các em khóa sau. Lớp tôi cũng có nhiều học sinh theo học ở lớp của Hậu, các em có những tiến bộ rõ rệt. Cách giải của Hậu rất dễ hiểu, tỉ mỉ”.
Việc học Y sẽ rất tốn kém với gia đình Hậu khi bố là bộ đội về hưu với đồng lương ít ỏi, mẹ là công nhân không có chế độ hưu trí sau khi công ty giải thể. Hiện kinh tế gia đình phụ thuộc vào lương hưu cùng ki ốt sửa chữa điện nho nhỏ của bố và vườn rau, chuồng gà của mẹ. “Sau khi nhập học em sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để đi gia sư, vừa thỏa niềm đam mê sư phạm, vừa có thêm tiền để trang trải cuộc sống sinh viên. Em đang ấp ủ kế hoạch sẽ tổng hợp các bài giảng của mình thành một tuyển tập để Tết về làm quà cho các bạn nếu có nhu cầu”, Hậu tâm sự.
Dân trí - Hoàng Lam