Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 
Những điều cần tránh khi ôn thi

Còn chưa đến một tháng nữa là kỳ thi học kỳ đầu tiên của năm học 2014-2015 bắt đầu. Bạn đã chuẩn bị ôn thi chưa? Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới, hãy cùng lắng nghe “bí quyết” của một sinh viên chuyên học lại (xin phép giấu tên). Hãy đọc thật kỹ và tránh xa những điều này nhé.


Học nhiều trong một khoảng thời gian ít
Nếu bạn có thể làm 50 bài tập toán cao cấp trong 1 tiếng, hoặc học được 10 trang kinh tế vĩ mô trong 30 phút, đừng vội mừng. Rất có thể bạn sẽ bị nhầm lẫn kiến thức hoặc dễ mắc phải những lỗi sai nhỏ khi vào làm bài kiểm tra chính thức. Đừng nhồi nhét quá nhiều kiến thức trong một khoảng thời gian ngắn vì bạn sẽ chẳng nhớ gì cả. Thay vào đó bạn sẽ dễ mệt và mất hứng thú học tập.
Nguyên nhân của việc học quá vội vàng như vậy có thể bắt nguồn từ việc bạn không lên kế hoạch học tập một cách khoa học. Chính vì thế, trước khi bắt đầu ôn thi, hãy thiết kế cho mình một lộ trình ôn thi thật hợp lý. Xen kẽ giữa việc học hành căng thẳng là những giây phút nghỉ ngơi để đầu óc bạn được nạp lại năng lượng và sẵn sàng tiếp thu kiến thức mới. 

Vừa học vừa chơi
Khi bạn vừa học vừa xem tivi, vừa học vừa ăn uống, hay học trong lúc đang nghe đài... thì khi làm bài kiểm tra rất có thể đến một đoạn nào đó, thay vì nhớ kiến thức môn học, bạn lại nghe tiếng tivi, lại nhớ tới một món ăn hoặc bỗng dưng một câu nào đó trong radio bật chợt vang vọng bên tai... rất nguy hiểm. Chúng ta không thể nào làm được nhiều việc cùng lúc. Vì vậy, hãy cố gắng tập trung hoàn thành cho xong một việc mà thôi.
Rất nhiều bạn có thói quen làm nhiều việc cùng lúc trong khi học bài. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lượng kiến thức bạn thu nhận được mà còn khiến cho mọi việc trở nên thật lộn xộn. Khi ôn tập, bộ não của bạn nên dành toàn bộ tập trung vào việc ghi nhớ kiến thức. Chính vì thế, lựa chọn một không gian yên tĩnh mà bạn yêu thích, gạt bỏ những suy nghĩ khác để dồn tâm trí cho việc ôn tập tránh xao nhãng mà bỏ quên mất kiến thức cần học. Ngoài ra, nếu muốn không khí học tập trở nên sinh động hơn, bạn có thể vừa nghe nhạc baroc vừa học. Điều này đã được khoa học chứng minh là giúp cho não hoạt động hiệu quả hơn.

Học 30 phút, nghỉ ngơi 3 tiếng
Đây là trường hợp phổ biến của những bạn lười. Khi học họ thường “đếm giờ” để thời gian trôi qua mau và sau đó “tự thưởng” cho mình bằng việc dành nhiều giờ để nghỉ ngơi, để rồi khi quay lại bàn học thì không còn hứng thú nữa. Việc nghỉ ngơi như thế sẽ gia tăng sự lười biếng và khiến bạn dễ xao nhãng. Hãy áp dụng ngược lại: “Cứ học 3 tiếng thì nghỉ ngơi 30 phút”. Có như vậy, bạn mới tự ép mình vào khuôn khổ được.
Đọc đến đây chắc nhiều bạn sẽ giật mình khi nghĩ đến bản thân mình. Cách khắc phục điều này có lẽ đơn giản nhất là tìm cho mình một động lực đúng đắn trong việc học tập. Hãy nghĩ đến những gì khiến bạn có trách nhiệm hơn đối với việc học của mình. Nhớ đến sự hy sinh của bố mẹ, nhớ đến việc ra trường với tấm bằng trung bình, nhớ đến tương lai của bản thân mình … chắc hẳn, điều đó sẽ giúp bạn vượt qua sự lười biếng của mình.

Thuộc lòng không cần hiểu 
Khi kỳ thi đến quá gần và thời gian không còn nhiều, vài bạn chấp nhận học thuộc lòng mà không cần hiểu nội dung hay người ta thường vẫn gọi là “học vẹt” để rồi khi chưa đọc kỹ câu hỏi thì đã trả lời như 1 cái máy và kết quả là...lệch tủ. Bạn có thể nhớ sơ sơ, không cần thuộc, nhưng phải hiểu để có thể tự diễn đạt theo cách của riêng mình. Hiểu bài tốt sẽ học thuộc được nhanh hơn, tiết kiệm thời gian hơn.
Có một bí kíp để giúp bạn hiểu bài nhanh hơn đó là xây dựng sơ đồ tư duy để hệ thống lại kiến thức cần học. Hãy đọc lại bài viết “Mindmap - Bí quyết cho một trí nhớ siêu phàm” đã được đăng ở bài trước để nắm chắc bí kíp này nhé. 

Học chung với bạn thân 
Đừng quá tin tưởng bạn thân. Họ không giúp bạn học tốt lên mà còn khiến bạn lười học hơn nữa. Bởi vì học chung với bạn thân thì bạn sẽ có chuyện để “tám”, có cớ để “lười” và sẵn sàng bỏ ngang nếu như cả hai cùng thiếu động lực học tập.
“Học thầy không tày học bạn”. Nhưng chọn bạn để học cũng phải đặc biệt lưu ý nhất là trong giai đoạn ôn thi cấp bách như thế này. Việc xao nhãng chỉ một hai buổi cũng có thể kéo kết quả học tập của cả hai xuống mức thê thảm. Bí quyết đơn giản là hãy chọn học với một ai đó thật sự chăm chỉ, nghiêm khắc, và đặc biệt là người đó không phải bạn thân. Việc giảm bớt những câu chuyện “ngoài lề” sẽ giúp cả hai tập trung hơn trong học tập. Ngoài ra, khi giải quyết một vấn đề trong học tập, hai bạn sẽ giảm bớt cảm tính và có góc nhìn khách quan hơn để tìm ra cách giải quyết.
Những kỳ thi quan trọng đang gần kề. Việc rút kinh nghiệm từ những lần thất bại của bản thân và của những người khác là cách để bạn đạt được kết quả tốt hơn. Chúc bạn thành công.

Bạn đang đọc bài viết trong chương trình “Đồng hành cùng mùa thi UEB” - nơi chia sẻ những bí quyết để ôn thi hiệu quả. Bài viết tiếp theo với chủ đề “Ngày thi đến, UEBers cần biết” sẽ được đăng tải vào ngày 17/12/2014. Đón đọc tại website và fanpage của Nhà trường.


Đinh Hồ Nho Thông (K57 - Khoa KTCT)