Khoa _KTPT cũ
 
Nghiệm thu đề tài nghiên cứu công nghệ đào tạo tiên tiến

Ngày 11/1, tại Trường ĐHKT đã diễn ra buổi nghiệm thu đề tài trọng điểm nghiên cứu công nghệ đào tạo tiên tiến trong lĩnh vực kinh tế - Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng cho ĐHKT - ĐHQGHN.


Đây là đề tài trọng điểm cấp ĐHQG mang mã số PUF.08.04 do PGS. TS. Trịnh Thị Hoa Mai, giảng viên Trường ĐHKT làm chủ nhiệm đề tài.
Buổi nghiệm thu đề tài có sự tham dự của Chủ tịch hội đồng, GS.TS.KH Vũ Minh Giang, PGS.TS. Lê Đức Ngọc, phản biện 1 và PGS.TS. Nguyễn Văn Nhã, phản biện 2; PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT và cán bộ các khoa liên quan đến đề tài.
Tại buổi nghiệm thu, sau khi nghe góp ý của phản biện và các thành viên hội đồng, PGS.TS. Trịnh Thị Hoa Mai đã giải trình thêm các vấn đề liên quan đến các khái niệm Công nghệ đào tạo tiên tiến (CNĐTT) trên thế giới. Chủ nhiệm đề tài cũng đã phân biệt hai khái niệm CDIO và CDIE và nhấn mạnh sự phù hợp của từng chương trình cho các đối tượng nhà trường.
PGS.TS. Lê Đức Ngọc cho rằng, trong bối cảnh bùng nổ thông tin, bùng nổ đào tạo thì đây là đề tài cấp thiết. Điều đáng nói hơn nữa, Trường ĐHKT đã không chỉ hướng tới vấn đề nghiên cứu chung chung mà còn hướng tới nghiên cứu giáo dục đại học. Đó là vấn đề không phải trường nào cũng dám làm.
Về các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, hội đồng nghiệm thu khẳng định, đề tài không gặp phải những lỗi mà các đề tài khác thường mắc phải và cách trình bày rất khoa học. Tuy nhiên, đề tài cần phải bổ sung 1 số văn bản liên quan hoặc bóc tách các tài liệu thành những thông tin phụ.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn cũng cho rằng, đề tài này đã nghiên cứu khá kỹ sự thành công của các nước trên thế giới và có cả các thông tin từ các trường đại học ở Việt Nam. Việc khuyến nghị áp dụng CDIE là phù hợp và việc phối hợp với nhóm đang thực hiện đề án CDIO sẽ cho ra kết quả tốt. Tuy nhiên PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn cũng lưu ý, đề tài cần làm rõ các tiêu chí CNĐTTT. Nếu làm theo hướng kiểm định chất lượng sẽ sát vấn đề hơn.
Kết luận buổi nghiệm thu, GS.TSKH. Vũ Minh Giang cho rằng, CNĐTTT đang rất cần đối với các cơ sở đào tạo mới, có thể ứng dụng  được. Đề tài này đã hệ thống hóa, góp phần xây dựng khái niệm, có tổng kết rút ra kinh nghiệm bài học của các nước và đưa ra những khuyến nghị tốt. Tuy nhiên, các tác giả cũng cần phải chuẩn chỉnh lại sản phẩm sao cho thành từng phần riêng như báo cáo tổng hợp, báo cáo trung gian, tóm tắt đề tài... Đặc biệt là cần phải gia cố thêm các tiêu chí CNĐTTT.
Đề tài đã được nghiệm thu và xếp loại khá với 83 điểm.

M.T