Khoa _KTPT cũ
 
“Từ bình ổn vĩ mô đến khởi đầu cải cách hướng đến một lộ trình chính sách cho năm 2012 và xa hơn”

Là hội thảo Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức ngày 23/2/2012 nhằm tạo một diễn đàn để các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách thảo luận về quan điểm tư tưởng và thực thi chính sách trong bối cảnh phức tạp, nhưng hàm chứa nhiều cơ hội của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012.


Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm và tham dự của những nhà kinh tế hàng đầu đến từ các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan lý luận và nghiên cứu trong nước và quốc tế như Hội đồng Lý luận Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Đại học Quốc gia Hà Nội, lãnh đạo các trường đại học và viện nghiên cứu, chuyên gia của các các tổ chức phát triển quốc tế… và các cơ quan thông tấn báo chí hoạt động trong lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam.
Phát biểu mở đầu hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng ĐHKT, ĐHQGHN cho biết: “Nghiên cứu chiến lược và chính sách kinh tế vĩ mô là những vấn đề rất quan trọng. Đây cũng là một chương trình nghiên cứu trọng điểm của ĐHKT. Hội thảo lần này với mong muốn tạo ra một diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các giảng viên, các sinh viên quan tâm thảo luận, hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia.”

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh phát biểu tại hội thảo.

Tiếp đó, hội thảo đã nghe báo cáo đề dẫn do TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách trình bày về: “Những thách thức kinh tế của Việt Nam 2012: Từ phân tích ngắn hạn đến tầm trung - dài hạn”. TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, năm 2012, những dấu hiệu khởi đầu của ổn định vĩ mô trong nước đã xuất hiện, thể hiện qua khuynh hướng lạm phát đang giảm. Tuy nhiên, kinh tế thế giới 2012 bộc lộ nhiều yếu tố bất lợi hơn so với năm 2011, trong khi những rủi ro nội tại của nền kinh tế Việt Nam về cơ bản vẫn chưa được giải quyết, đi liền với tăng trưởng kinh tế có khuynh hướng chững lại. Tình huống này đặt Việt Nam trước hai nhiệm vụ lớn: kiên trì ổn định vĩ mô để mở rộng không gian chính sách cho tương lai, đồng thời khởi động các chương trình hành động hữu hiệu nhằm cải cách, nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế, trong đó, quan trọng nhất là tái cơ cấu nền kinh tế.

TS. Nguyễn Đức Thành
Cùng quan điểm đó, ông Trương Đình Tuyển - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia nhận định: “Ổn định vĩ mô là chỉ báo quan trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phân phối nguồn lực, ngăn chặn đầu cơ và hạn chế rủi ro và là điều kiện để cải cách.” Về lộ trình cải cách cho năm 2012 và xa hơn, ông cho rằng, Việt Nam cần xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại theo các tiêu chí: đồng bộ, công khai minh bạch, tăng tính cạnh tranh, định vị lại mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường..; từ đó, tiến hành đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế.

Ông Trương Đình Tuyển

Bên cạnh đó, hội thảo cũng lắng nghe nhiều ý kiến thảo luận thẳng thắn, cụ thể hơn về vấn đề tái cơ cấu của các chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Võ Trí Thành, Nguyễn Quang A, Vũ Đình Ánh… Nhìn chung, các chuyên gia đều nhận định rằng, tái cơ cấu nền kinh tế cần một lộ trình cụ thể, và muốn tái cơ cấu hiệu quả cần chú ý đến các vấn đề như: vai trò, chức năng cụ thể của các cơ quan trong Chính phủ trong quá trình tải cơ cấu, lộ trình cải cách từng khu vực, và ước lượng được chi phí cũng như ảnh hưởng của từng cải cách. Ngoài ra, trong quá trình tái cơ cấu cũng cần làm rõ vai trò và mức độ can thiệp của nhà nước.


Các chuyên gia kinh tế thảo luận tại hội thảo.

Tái cơ cấu nền kinh tế là vấn đề được bàn luận nhiều tại các hội thảo, hội nghị quốc gia về kinh tế. Hội thảo: “Từ bình ổn vĩ mô đến khởi đầu cải cách: Hướng tới một lộ trình chính sách cho năm 2012 và xa hơn” lần này cũng nhằm thu nhận thêm các ý kiến, đề xuất mới, cụ thể hơn cho lộ trình cải cách kinh tế. TS. Nguyễn Đức Thành cho biết: “Những kết quả của hội thảo này sẽ được chúng tôi tổng hợp và đề xuất trong các cuộc thảo luận tư vấn chính sách cho Chính phủ và các cơ quan trung ương.”
Về phía ĐHKT, các ý kiến và tham luận tại hội thảo sẽ cung cấp, bổ sung nhiều thông tin quý giá cho các công trình nghiên cứu về lý thuyết kinh tế vĩ mô, đồng thời cũng là dịp để nhóm nghiên cứu Trường ĐHKT tiếp thu kinh nghiệm quý báu cho quá trình hoàn thiện chương trình và mở rộng phạm vi nghiên cứu trong những năm tiếp theo.
Hội thảo khoa học “Từ bình ổn vĩ mô đến khởi đầu cải cách: Hướng tới một lộ trình chính sách cho năm 2012 và xa hơn” là một trong chuỗi sự kiện được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức thường niên vào mỗi dịp đầu năm để bàn về viễn cảnh kinh tế cho một năm sắp tới.
 

Đỗ Chiêm