Khoa _KTPT cũ
 
Nhóm nghiên cứu Trường ĐHKT khảo sát tại Thành phố Đà Nẵng

Nhóm nghiên cứu tiến hành các cuộc phỏng vấn với lãnh đạo Cục Hải quan TP Đà Nẵng
Từ ngày 23 đến 26/6/2014, nhóm nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước “Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong bối cảnh mới của thế giới và sự tham gia của Việt Nam”, thuộc chương trình KX.01/11-15 do PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN làm trưởng đoàn đã đi khảo sát tại thành phố Đà Nẵng.


Chuyến khảo sát nhằm mục đích tìm hiểu về sự sẵn sàng của các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp trong việc tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) theo lộ trình sẽ ra đời vào năm 2015 (với các vấn đề lớn như sự chuẩn bị của các tổ chức này cũng như những cơ hội và thách thức mà AEC đặt ra cho địa phương). Chuyến công tác này nằm trong chuỗi khảo sát tại 5 thành phố lớn của đề tài, bao gồm thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ (thực hiện tháng 5 /2014), Hải Phòng (17-19/6/2014), Đà Nẵng (23-26/6/2014) và Hà Nội.
Trong thời gian công tác tại thành phố (TP) Đà Nẵng, đoàn khảo sát đã gặp gỡ đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Cục Hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp - Chi nhánh Đà Nẵng, Ban quản lý Khu công nghiệp và chế xuất TP Đà Nẵng, cùng lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế & xã hội Đà Nẵng và Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Đoàn cũng đi thăm và khảo sát thực tế các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp lớn có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu tại địa phương. 
Qua quá trình làm việc với Cục Hải quan TP Đà Nẵng, đoàn đã ghi nhận được những nỗ lực hiện tại của các Sở - Ban - Ngành trong việc đưa ra các chính sách đón đầu việc hội nhập AEC, cũng như những khó khăn trong việc thực hiện các chính sách này trong thực tế. Một ví dụ điển hình là Hệ thống Hải quan điện tử VNACCS/VCIS, hệ thống này cho phép các thủ tục hải quan nhanh chóng hơn và tiến tới Hải quan một cửa. Đồng thời, hệ thống điện tử trong hiện đại hóa thủ tục hành chính cũng đang được thí điểm tại các ngành khác như: Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp, tiến tới Một cửa quốc gia và sau đó là Một cửa ASEAN, theo đúng định hướng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Single Window).
Tuy nhiên, việc đồng bộ hóa các thủ tục hành chính và hệ thống phần mềm mới này chưa thông suốt giữa các cơ quan liên ngành, gây ra sự thiếu thống nhất dẫn đến chậm trễ trong quá trình giải quyết công việc, không chỉ giữa cơ quan và doanh nghiệp, mà còn giữa các cơ quan với nhau.

Tại buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng…

Bên cạnh đó, theo ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp VCCI chi nhánh Đà Nẵng, vấn đề đáng lưu tâm nhất trong quá trình hội nhập này là sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm các cơ quan ban ngành, các viện nghiên cứu, các hiệp hội và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các tổ chức này lại chưa tìm được tiếng nói chung; các cơ quan ban ngành chưa có được cách tiếp cận và truyền tải hiệu quả những thông tin về hội nhập và các hiệp định mới liên quan đến thương mại cho các doanh nghiệp trong nước.

Qua các buổi khảo sát thực tế và phỏng vấn sâu lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP Đà Nẵng, đoàn công tác đã có cái nhìn đầy đủ và sâu sắc hơn về sự chuẩn bị của các doanh nghiệp này khi thời gian thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN đang đến gần.
Nhìn chung thị trường ASEAN tiềm năng đang được doanh nghiệp bước đầu khai thác bên cạnh các thị trường truyền thống như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ… Một số doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm các đối tác mới tại khu vực Đông Nam Á để tận dụng các lợi thế mà hội nhập mang lại như: giảm thuế quan và tự do lưu thông hàng hóa, lao động, cũng như nhìn nhận những thách thức về cạnh tranh khi các quốc gia trong khu vực đầu tư vào Việt Nam… Trái lại, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này và cũng không có nhiều thông tin về AEC.

… và Sở Công thương Đà Nẵng


Với những tài liệu và thông tin thu nhận được cũng như các vấn đề đã được đưa ra thảo luận với các đối tác, chuyến khảo sát này có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện đề tài “Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong bối cảnh mới của thế giới và sự tham gia của Việt Nam”. Bên cạnh đó, chuyến đi đã giúp cán bộ Trường ĐHKT nâng cao kiến thức thực tiễn nhờ cơ hội trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp địa phương, đồng thời góp phần xây dựng và thắt chặt quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa Trường ĐHKT - ĐHQGHN với các cơ quan, tổ chức đối tác tại TP. Đà Nẵng.

Thu Huyền (Khoa KT&KDQT)