Khoa Kinh tế Chính trị
 
Seminar “Khủng hoảng kinh tế thế giới và chuỗi ba thảm họa đối với nền kinh tế Nhật Bản”

GS. Mizobata Satoshi thuyết trình tại seminar.
Tiếp nối các hoạt động của chương trình trao đổi học giả giữa Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế với Viện Nghiên cứu Kinh tế thuộc Đại học Kyoto (Nhật Bản) ngày 24/11/2011, GS.TS Mizobata Satoshi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Kyoto - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế học So sánh, Đại học Kyoto đã có chuyến thăm và làm việc tại Khoa.


Đây là lần thứ hai GS. Mizobata trở lại Trường Đại học Kinh tế. Với sự cộng tác nhiệt tình của GS. Mizobata, Khoa Kinh tế Chính trị đã tổ chức seminar với chủ đề “Khủng hoảng kinh tế thế giới và chuỗi ba thảm họa đối với nền kinh tế Nhật Bản”. Đây là dịp để giáo sư trao đổi thông tin, chia sẻ những nghiên cứu mới nhất về tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới cũng như tác động của chuỗi thảm hoạ động đất, sóng thần và hạt nhân tới nền kinh tế Nhật Bản. Buổi seminar đã thu hút sự quan tâm của giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế Chính trị.

Tại seminar, GS. Mizobata đã trình bày những nét khái quát về tiến trình phát triển kinh tế Nhật Bản từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhấn mạnh các thử thách đối với mô hình kinh tế Nhật trong suốt quá trình phát triển, từ giai đoạn “phát triển thần kỳ” đến giai đoạn “nền kinh tế bong bóng” cuối thế kỷ XX và “hậu bong bóng” đầu thế kỷ XXI. Với những số liệu phong phú và cập nhật từ bài thuyết trình, những người tham dự thấy được bức tranh toàn cảnh về tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 tới Nhật Bản, tiếp đó là những cú sốc lớn đối với nền kinh tế do chuỗi ba thảm hoạ năm 2011 ở Đông Bắc Nhật Bản gây ra.

Bên cạnh đó, quá trình phục hồi kinh tế hiện nay ở Nhật lại chịu ảnh hưởng của sự tăng giá đồng Yên, khủng hoảng nợ công ở Châu Âu và lũ lụt ở Thái Lan. Các vấn đề thảo luận tập trung vào tính bền vững của mô hình tăng trưởng của Nhật Bản trong nền kinh tế toàn cầu hoá, những thách thức mới đối với kinh tế Nhật dưới tác động của một xã hội đang già hoá dân số, dưới áp lực ngày càng tăng của các vấn đề xã hội và sự bất ổn về chính trị. Một nội dung cũng được quan tâm nhiều trong buổi seminar là những bài học có thể rút ra cho Việt Nam trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và đối phó với những bất ổn kinh tế vĩ mô hiện nay từ kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản.

Buổi seminar đã góp phần cập nhật thông tin, nâng cao hiểu biết và gợi mở các hướng nghiên cứu cho giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học Khoa Kinh tế Chính trị, đồng thời góp phần phát triển quan hệ hợp tác về học thuật giữa Khoa Kinh tế chính trị - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN với Đại học Kyoto (Nhật Bản).


Tin: Phạm Thị Hồng Điệp - Ảnh: Hồng Bích (Khoa KTCT)