Trang tuyển sinh
 
Năm 2019: Điểm chuẩn các trường đại học khối ngành Kinh tế biến động như thế nào?

Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2019, hiện nay các địa phương đang khẩn trương thực hiện công tác chấm thi để công bố điểm thi vào ngày 14/7 theo lịch của Bộ GD-ĐT. Song với các môn thi trắc nghiệm, thí sinh có thể dễ dàng tự ước lượng mức điểm thi của mình sau khi đã có đáp án các môn của Bộ GD-ĐT. Tại thời điểm này, điều mà nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm là điểm chuẩn của các trường đại học khối ngành kinh tế sẽ biến động như thế nào?


Thi THPT Quốc gia 2019: Phổ điểm cao hơn, điểm chuẩn sẽ tăng?

Theo đánh giá của các chuyên gia, đề thi THPT Quốc gia 2019 “dễ thở” hơn so với năm 2018. Tuy nhiên, để có thể xác định được điểm chuẩn vẫn phải chờ tới khi Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm. Nhận định của các giáo viên THPT trong chương trình talk show “Nhận định điểm thi THPT quốc gia 2019” do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 27/6 - ngay sau khi kỳ thi THPT quốc gia 2019 kết thúc cho biết: Đề thi năm nay có sự thay đổi rất lớn; Đề thi được đánh giá là hay, vừa đáp ứng mục đích xét tốt nghiệp THPT vừa có tính phân loại cao để các trường đại học dùng kết quả xét tuyển.

Người chọn trường, trường chọn người

Mùa tuyển sinh đại học năm 2019, nhiều trường đại học top đầu đã đưa ra phương án tuyển sinh bên cạnh việc lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường thể hiện quyền tự chủ bằng các quy định cụ thể chuẩn hóa xét tuyển với những tiêu chí vừa mang tính  đặc thù, tiệm cận với phương thức xét tuyển quốc tế. Ví dụ như Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đưa ra yêu cầu xét tuyển bên cạnh kết quả thi THPT quốc gia 2019, Trường sử dụng kết quả của các kỳ thi chứng chỉ quốc tế như:
  • Thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc TOEFL PBT từ 513 trở lên hoặc TOEFL iBT từ 65 trở lên và có tổng điểm 2 môn thi THPT còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 12 điểm trở lên (chỉ xét tuyển tổ hợp có môn thi Tiếng Anh).
  • Thí sinh có kết quả SAT đạt điểm từ 1100/1600 hoặc 1450/2400 trở lên (chứng chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 02 năm kể từ ngày dự thi tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển).
  • Thí sinh có chứng chỉ A-Level tổ hợp 3 môn thi (trong đó có môn Toán), mức điểm mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C).

Tuyển sinh 2019: Ngành nào sẽ lên ngôi?

Tuyển sinh đại học năm 2019 hứa hẹn có nhiều thay đổi trong việc lựa chọn ngành học của thí sinh. Sẽ có ngành rất khát nhân lực, có ngành giữ nguyên độ “hot” và cũng có không ít ngành đang trở thành xu thế. Trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, rất nhiều trường đại học đã và đang đẩy mạnh các chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao đáp ứng Thông tư 23/2014-TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT với những lợi ích khác biệt. Năm 2019, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN xét tuyển 05 chương trình đào tạo chất lượng cao theo Thông tư 23/2014-TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT: Kinh tế quốc tế; Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán và Kinh tế. Đây đều là những ngành đón đầu xu hướng phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Kinh tế quốc tế, ngành học đang khát nhân lực: Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam đang đặt ra một nhu cầu cấp thiết đối với phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt là yêu cầu đào tạo và phát triển một đội ngũ lao động trẻ, có kiến thức và hiểu biết vững vàng về lĩnh vực kinh doanh quốc tế, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng quan hệ đối ngoại… Xu thế toàn cầu hóa thúc đẩy kinh tế quốc tế phát triển mạnh và ngày càng trở thành nhân tố quan trọng. Hiện nay, Việt Nam đã, đang và sẽ tăng cường giao thương, buôn bán với nhiều quốc gia và cũng là điểm đến lý tưởng của nhiều công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia trên toàn thế giới. Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế quốc tế có thể làm việc trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu, lĩnh vực tài chính quốc tế, đầu tư quốc tế, thương mại quốc tế…

Ngành Quản trị kinh doanh vẫn luôn dẫn đầu xu thế: Quản trị kinh doanh luôn là một trong những ngành hấp dẫn các bạn trẻ năng động, đặc biệt trong những năm gần đây. Chỉ tính riêng khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, Việt Nam đã có khoảng 20,000 doanh nghiệp. Trong sự phát triển kinh tế nói chung của mỗi quốc gia, nhân sự ngành quản trị kinh doanh được xem là trung tâm chỉ huy nền kinh tế. Hiện nay, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã có những bước phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp muốn phát triển cần phải có sự tiên phong của những nhà quản trị giàu kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh. Chính vì vậy, cơ hội nghề nghiệp khi theo học ngành quản trị kinh doanh là rất lớn. Các bạn trẻ có cơ hội làm việc trong lĩnh vực marketing, quản trị nguồn nhân lực, tài chính và có khả nặng tự triển khai các ý tưởng khởi nghiệp…

Tài chính - Ngân hàng, Kế toán chưa bao giờ giảm nhiệt: Vượt qua giai đoạn “đóng băng”, tài chính - ngân hàng vẫn là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng hàng đầu Việt Nam trong những năm gần đây. Theo số liệu của Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, trong giai đoạn 2016-2025, chỉ tính riêng các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sẽ cần thêm gần 200.000 chỉ tiêu làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm… hứa hẹn nhiều cơ hội việc làm với chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Doanh nghiệp dù ở quy mô hoạt động như thế nào đều cần có bộ phận kế toán. Đây là bộ phận không thể thiếu, được mệnh danh là cánh tay đắc lực trong hoạt động tài chính. Với tầm quan trọng đó, kế toán là ngành chưa bao giờ hết “hot” trong thị trường tuyển dụng Việt Nam.

Tạo sự khác biệt với Ngành Kinh tế: Với nền tảng kiến thức cập nhật, hệ thống, sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế dễ dàng thích ứng trong nền kinh tế số biến đổi. Trong quá trình học tập, sinh viên được vận dụng các kiến thức để phân tích bài tập tình huống thực tiễn, tham gia các chương trình thực tập, thực tế ngay từ rất sớm. Với hệ thống kiến thức căn bản, hệ thống, các kỹ năng được vận dụng thực tiễn trong quá trình học tập, sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế có cơ hội việc làm rất rộng mở tại các cơ quan quản lý nhà nước với các vị trí như: nhà hoạch định, chính sách, nhà quản lý, nhà phân tích; Làm việc trong các doanh nghiệp, tập đoàn với các vị trí thực hành, tác nghiệp các hoạt động về kinh tế, phân tích, tư vấn kinh tế…; Làm việc trong các tổ chức phi chính phủ; Làm việc trong các trường đại học và viện nghiên cứu…

Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN năm 2019, vui lòng xem tại:

Website: http://ueb.edu.vn; http://tuyensinhdaihoc.ueb.edu.vn

Hotline: 0913 486 773; 024.37547506  (máy lẻ 666, 888)

Email: tuyensinhdaihoc_dhkt@vnu.edu.vn

Facebook: www.facebook.com/ueb.edu.vn


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN