Trang Nghiên cứu
 
Quốc tế hóa giáo dục đại học ở Việt Nam: Thực trạng, chính sách và thách thức

Trong bối cảnh sự bùng nổ của chủ nghĩa quốc tế khi toàn cầu hóa tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, các trường đại học ngày càng thay đổi và tiếp tục thúc đẩy giáo dục đại học trên toàn thế giới chuyển đổi. Xem xét trường hợp Việt Nam, bài báo của nhóm tác giả Ryu, J.H. và Nguyễn Thùy Anh với tiêu đề “Internationalization of Higher Education in Vietnam: Current Situations, Policies, and Challenges” (Quốc tế hóa giáo dục đại học ở Việt Nam: Thực trạng, chính sách và thách thức) đăng trên tạp chí “International Journal of Comparative Education and Development” đã phân tích thực trạng, chính sách hiện tại và những thách thức mà giáo dục đại học tại quốc gia này đang phải đối mặt trong quá trình quốc tế hóa.


Giáo dục đại học Việt Nam phải đối mặt với những thay đổi mạnh mẽ trong những thập kỷ qua phần lớn là do chính sách Đổi mới năm 1986 và quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng. Việt Nam liên tục thực hiện cải cách chính sách giáo dục đại học và đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng để phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu. Do dó, nghiên cứu này xem xét các cải cách giáo dục đại học, chính sách và khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy quốc tế hóa nói riêng. Ngoài ra, nó còn đưa ra mô tả về các hoạt động chính của quốc tế hóa trong và ngoài nước ở cấp hệ thống và cấp thể chế.

Ngày nay, Việt Nam đã đẩy mạnh tổ chức các chương trình xuyên biên giới khác nhau, đây là động lực chính thúc đẩy quá trình quốc tế hóa trong nước. Trong khi đó, chiến lược quốc tế hóa của Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu tập trung vào việc cử các viện sĩ và cán bộ công chức ra nước ngoài với mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực có kiến ​​thức và kỹ năng tiên tiến. Do đó, nghiên cứu cũng phân tích quốc tế hóa trong và ngoài nước ở cấp độ thể chế, tập trung vào trường hợp điển hình là một đại học lớn của Việt Nam - Đại học Quốc gia Hà Nội. Đại học này đã tích cực thực hiện các chính sách và chương trình quốc tế hóa, được xếp hạng trong 1.000 đại học hàng đầu toàn cầu năm 2018.

Nghiên cứu này sử dụng nghiên cứu trường hợp điển hình về Đại học Quốc gia Hà Nội để xem xét và hiểu rõ hơn về hiện tượng quốc tế hóa giáo dục đại học ở Việt Nam. Nghiên cứu thu thập thông tin chi tiết bằng cách sử dụng nhiều quy trình thu thập dữ liệu khác nhau trong một khoảng thời gian. Đầu tiên, nó phân tích cải cách giáo dục đại học của Việt Nam cũng như chính sách và khuôn khổ pháp lý cho việc thúc đẩy quốc tế hóa. Sau đó, nhóm tác giả sử dụng khuôn khổ của Knight - nghiên cứu đã phân tích sự quốc tế hóa tại gia đình và các hoạt động giáo dục chéo ở cấp độ quốc gia và tổ chức. Ở cấp quốc gia, các mục tiêu và chương trình chính sách chiến lược đã được khám phá. Ở cấp tổ chức, nhóm tác giả đi sâu tìm hiểu các chiến lược thể chế của Đại học Quốc gia Hà Nội về các chương trình xuyên biên giới, xây dựng danh tiếng, hợp tác nghiên cứu.

Việt Nam đã liên tục cải cách khung pháp lý và chính sách về Giáo dục đại học để hội nhập tốt hơn vào thị trường giáo dục đại học toàn cầu và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế quốc gia. Cơ sở lý luận cơ bản để Việt Nam tham gia vào các chương trình đa quốc gia là để phát triển tri thức, đặc biệt là trong lĩnh vực học thuật và các lĩnh vực công. Trong khi đó, quốc tế hóa trong nước được thúc đẩy bởi (1) các chương trình và trường đại học quốc tế và (2) sáng kiến ​​nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các viện giáo dục đại học. Việt Nam đã triển khai các mô hình đại học quốc tế khác nhau. Tuy nhiên, các vấn đề và thách thức vẫn tồn tại, chẳng hạn như sự thiếu hợp tác và điều phối một cách hệ thống ở cấp chính phủ, vấn đề giữ chân nhân tài và cuối cùng là tài chính.

Đóng góp mới mà nghiên cứu này mang lại là nó cung cấp cơ sở để hiểu rõ hơn về quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học ở Việt Nam. Đầu tiên, nghiên cứu xem xét các cải cách giáo dục đại học và khuôn khổ chính sách/pháp lý của Việt Nam để thúc đẩy quốc tế hóa kể từ khi thực hiện Đổi mới năm 1986. Thứ hai, nó phân tích các hoạt động quốc tế hóa ở cấp độ quốc gia và thể chế. Ở cả hai cấp độ, các hoạt động quốc tế hóa được phân loại thành quốc tế hóa trong nước và xuyên biên giới. Đây được coi là nghiên cứu tiên phong khi phân tích quốc tế hóa Giáo dục đại học ở cấp độ quốc gia và thể chế, đánh giá các quan điểm vĩ mô và vi mô trong bối cảnh đó. Ngoài ra, nghiên cứu còn bao gồm dữ liệu thực nghiệm phong phú, đây là điều hiếm thấy trong các tài liệu trước đây do khả năng tiếp cận hạn chế. Cuối cùng, nghiên cứu thảo luận về những thách thức mà giáo dục đại học Việt Nam đang phải đối mặt cũng như đề xuất các định hướng chính sách.

Nhìn chung, sự gia tăng số lượng và đa dạng hóa các chương trình quốc tế và các trường đại học đã thể hiện sự tích cực của Việt Nam trong việc đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục đại học. Tuy nhiên, để duy trì sự tăng trưởng này, Việt Nam đòi hỏi phải có một kế hoạch chiến lược minh bạch, thống nhất và phản ánh tầm nhìn chung giữa các bên liên quan ở tất cả các cấp.

Nghiên cứu cho thấy rằng các hoạt động quốc tế hóa giáo dục đại học ở Việt Nam chủ yếu là hướng nội, ngụ ý rằng quy trình và hoạt động của nó chủ yếu là học hỏi và nhập khẩu từ các các hệ thống quốc tế. Do đó, trong dài hạn, Việt Nam phải hướng tới một cách tiếp cận cân bằng hơn giữa hướng nội và hướng ngoại nhằm thúc đẩy những đổi mới của nền giáo dục, hướng tới chuẩn mực giáo dục đại học quốc tế. Một sự thay đổi như vậy không phải là không thể, bởi các trường đại học đã có cam kết của Chính phủ, các đối tác quốc tế hợp tác, một số lượng lớn các chương trình xuyên biên giới thuộc nhiều loại hình khác nhau và luồng sinh viên Việt Nam có bằng cấp ở nước ngoài. Giờ đây Việt Nam phải tập trung vào việc làm thế nào để có thể duy trì và đổi mới để phát triển hơn nữa. Quan trọng hơn, những cải tiến phải được thực hiện kịp thời ở tất cả các ngành học. Theo đó, các định hướng chính sách trong tương lai cho giáo dục đại học Việt Nam được đề xuất bao gồm: Cải thiện sự hợp tác và phối hợp có hệ thống của các cơ quan chính phủ liên quan, các chính sách di chuyển ra nước ngoài để tối đa hóa lợi ích và tính bền vững của các chương trình xuyên biên giới.

Thông tin bài báo: Ryu, J.H. and Nguyen, A.T. (2021), “Internationalization of Higher Education in Vietnam: Current Situations, Policies, and Challenges,” International Journal of Comparative Education and Development, Vol.23 No.3, pp.227-241. https://doi.org/10.1108/IJCED-10-2020-0074

 

 

- Các tác giả:

  • Jung Hyun Ryu - Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN;
  •  Nguyễn Thùy Anh - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN

- Tác giả thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN:

TS. Nguyễn Thùy Anh - Giảng viên, Khoa Kinh tế Chính trị, trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Các hướng nghiên cứu chính của TS. Nguyễn Thùy Anh bao gồm: kinh tế chính trị quốc tế, phát triển bền vững, quốc tế hóa giáo dục, trường đại học xanh, giáo dục hòa nhập, chuyển đổi số.





Các tin khác