Trang tin tức sự kiện
 
Nghe sinh viên ĐHKT chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học khoa học

Phùng Đức Quyền (trái) nhận giải Nhất tại Hội nghị Sinh viên NCKH cấp trường năm học 2012 - 2013
Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN năm học 2012 - 2013 đã diễn ra thành công ngày 31/5/2012 vừa qua, và chọn ra được các công trình thực sự xứng đáng. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ tâm đắc của sinh viên ĐHKT sau “hành trình” nghiên cứu khoa học gian nan của họ.


Phùng Đức Quyền (lớp QH-2009-E TCNH TA, giải Nhất NCKH sinh viên Trường ĐHKT năm 2013 với đề tài “Kiểm tra độ ổn định của các ngân hàng thương mại lớn ở Việt Nam”):

Theo mình, học đại học đòi hỏi sự độc lập và tự giác cao thì nghiên cứu khoa học lại đòi hỏi mức độ chủ động cao hơn rất nhiều. Không nên trông chờ ai đó nói với bạn phải làm về chủ đề gì, trong đó phải có những phần nào, phải đọc những tài liệu gì,… Mỗi sinh viên khi tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) phải hoàn toàn chủ động mày mò (hay mò mẫm) để tìm ra hướng đi, phương pháp nghiên cứu cho mình.
Ngoài ra, mỗi sinh viên khi nghiên cứu cũng cần có một nền tảng kiến thức tương đối vững chắc nếu như muốn thành công. Từ kinh nghiệm của bản thân cũng như kinh nghiệm của các anh chị đi trước, mình nhận thấy có một số khối kiến thức mà các bạn sinh viên cần nắm vững như sau:
Kiến thức chuyên ngành kinh tế: Tùy lĩnh vực mà các bạn tham gia nghiên cứu, yêu cầu về kiến thức nền tảng sẽ khác nhau, có thể là tài chính doanh nghiệp, nghiệp vụ trị ngân hàng, marketing, thương mại quốc tế,… Đây là yêu cầu tiên quyết không thể thiếu khi làm NCKH.
Ngoại ngữ - đặc biệt là tiếng Anh: có một vốn tiếng Anh tốt sẽ giúp ích cho các bạn rất nhiều trong quá trình NCKH. Trong điều kiện số lượng các tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt còn hết sức hạn chế, khả năng đọc hiểu tiếng Anh tốt sẽ giúp các bạn tham khảo được một lượng lớn những tài liệu chất lượng đăng tải ở các tạp chí đầu ngành của thế giới. Tuy nhiên, kiến thức về tiếng Anh chỉ thực sự phát huy hết tác dụng của nó nếu các bạn đồng thời có kiến thức vững chắc về kinh tế.
Các công cụ định lượng: Cùng với sự phát triển và phổ biến của máy tính và các phần mềm, xu hướng trong những năm gần đây là sử dụng các công cụ định lượng hiện đại trong nghiên cứu. Tất nhiên việc sử dụng công cụ định lượng trong nghiên cứu là không bắt buộc và sinh viên hoàn toàn có quyền lựa chọn việc có sử dụng các công cụ này hay không; tuy nhiên, việc sử dụng các mô hình lượng sẽ giúp nghiên cứu của các sinh viên thêm mạch lạc, kết quả đưa ra không còn chung chung mà sẽ cụ thể và có ý nghĩa thực tế hơn. Để làm được điều này, các bạn cần biết ứng dụng thành thạo kinh tế lượng và thống kê toán. Và cũng cần lưu ý là không nên lạm dụng quá mức các phương pháp định lượng này.
NCKH đòi hỏi các sinh viên phải làm việc hết sức độc lập và tự giác. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, những lúc khó khăn, khúc mắc thì giảng viên hướng dẫn sẽ là người “soi đường chỉ lối” và “tiếp lửa” cho các bạn. Thực tế cho thấy, các nhóm nghiên cứu đạt thành tích cao thường tìm hiểu vấn đề và liên hệ trước với các giảng viên từ rất sớm. Đến khi nhà trường phát động phong trào NCKH thì các bạn đã hình dung tương đối rõ về đề tài mà mình sẽ thực hiện và cũng đã nhận được những góp ý từ giảng viên trong việc lựa chọn đề tài phù hợp.
Vì một đề tài NCKH thường bao gồm nhiều vấn đề khác nhau nên ngoài giảng viên hướng dẫn, các bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các giảng viên khác trong khoa hay trong trường. Nếu vấn đề mà các bạn thắc mắc thuộc về lĩnh vực chuyên môn của các thầy cô, chắc chắn các thầy cô sẽ nhiệt tình giúp đỡ.


Sinh viên Lương Thị Tuyến
Lương Thị Tuyến (lớp QH-2010-E KTPT, thành viên nhóm đạt giải Nhất NCKH sinh viên Trường ĐHKT năm 2013 với đề tài “Tác động của biến đổi khí hậu và chiến lược thích ứng cho sinh kế người dân ven biển thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định”):

Trong NCKH, điều quan trọng đầu tiên chúng ta phải biết là mình nghiên cứu cái gì và để làm gì? Xác định đối tượng và mục đích nghiên cứu cũng giống như việc bạn có một cuộc hẹn và bạn phải biết được: bạn hẹn với ai, về vấn đề gì? Còn phương pháp nghiên cứu là điều không bao giờ được phép sơ sài. Nó giống như khung xương đảm bảo sự logic cho bài nghiên cứu. Gần một năm theo đuổi nghiên cứu về sinh kế, chúng tôi đã lựa chọn khung phân tích sinh kế bền vững của DIFID. Từ khi bắt đầu cho đến khi định hình được phương pháp ấy là cả một quá trình đọc, đọc và đọc tài liệu của các thành viên.
NCKH cũng là chuỗi ngày chúng tôi ngồi “cày” tài liệu, mò mẫm thông tin trên máy tính đến mỏi cả mắt nhưng vẫn nhắn tin động viên nhau cố gắng. Có những lần bất đồng quan điểm đến mức các thành viên “không đứa nào nhìn ngó đứa nào”, nhưng tình bạn, trách nhiệm… đã khiến chúng tôi gạt đi những cái “tôi” cá nhân để có thể tiếp tục công việc.

Nhưng điều để lại sâu sắc và ấn tượng nhất đối với nhóm tôi chính là khoảng thời gian đi thực tế. Chúng tôi thiết kế bảng hỏi và đến khu vực nghiên cứu phỏng vấn người dân nơi đây. Lúc đầu chỉ nghĩ làm sao xuống địa bàn thu được số liệu thật nhanh, nhưng chuyến đi thực tế thật khác với những gì mà chúng tôi đã nghĩ. Đó thực sự là một trải nghiệm ý nghĩa.
Trong những cuộc phỏng vấn ngắn với người dân trị trấn Rạng Đông, chúng tôi đã vô tình bắt gặp những câu chuyện, những mảnh đời mà dường như chỉ có trong các câu truyện. Chia tay những người dân chân chất hiền lành, chúng tôi trở lại Hà Nội với câu hỏi: “Mình có thể làm gì cho cuộc sống của họ?”, và nhóm “lao” vào nghiên cứu với niềm đam mê thực sự và hy vọng về kết quả nghiên cứu, về chiến lược thích ứng cho sinh kế người dân mà nhóm đề xuất.
Khởi đầu từ những mơ hồ về nghiên cứu khoa học, và mọi thứ đã dần thay đổi khi trong chúng tôi xuất hiện hy vọng và đam mê. Cuối cùng xin dành những lời cảm ơn chân thành tới ĐHKT, tới các thầy cô Khoa KTPT, tới các bạn đã và sẽ đồng hành cùng nhóm trên con đường phía trước.


Đỗ Đình Nam (trái) đại diện nhóm nhận giải Nhì tại Hội nghị Sinh viên NCKH cấp trường năm học 2012 - 2013
Đỗ Đình Nam (lớp QH-2009-E QTKD, thành viên nhóm đạt giải Nhì NCKH sinh viên Trường ĐHKT năm 2013 với đề tài “Nghiên cứu phát triển năng lực tổng thể của con người tại doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”):

Là sinh viên năm cuối với bộn bề công việc học tập và dự định tương lai; và cũng đã ít nhiều được trải nghiệm nghiên cứu khoa học từ năm học trước (đạt giải Ba) nên khi bắt đầu năm học 2012-2013, nhóm đã rất phân vân xem liệu có tham gia nghiên cứu nữa không. Nhóm chỉ thực sự quyết định khi được TS. Nguyễn Đăng Minh chia sẻ về dự định nghiên cứu đầy hứa hẹn. Những chia sẻ, hướng dẫn của TS. Nguyễn Đăng Minh về một hướng nghiên cứu mới tại Việt Nam khiến các thành viên hết sức phấn khích và ấn tượng. Cũng từ giây phút đó, nhóm đã cùng nhau quyết tâm thực hiện đề tài thật tốt.
Nghiên cứu khoa học, nhất là sinh viên nghiên cứu khoa học trước nay đều được đánh giá là khó khăn và vất vả, điều đó được kiểm chứng bởi biết bao thế hệ sinh viên ĐHKT tham gia nghiên cứu. Quá trình nghiên cứu vừa rồi để lại cho nhóm một số kinh nghiệm nhất định mà mình muốn chia sẻ với các em khóa dưới.
Điều thứ nhất và cũng là quan trọng nhất là hãy xây dựng đội nhóm của mình một cách chu đáo vì những thành viên đó sẽ sát cánh cùng nhau một quãng đường nghiên cứu tương đối dài và khó khăn. Tốt nhất đó nên là một nhóm bạn thân, hiểu nhau và có kinh nghiệm làm việc với nhau. Trong trường hợp bạn làm nghiên cứu mà chỉ có một mình thì cũng hãy yên tâm vì vẫn có những tấm gương tuyệt vời thành công khi nghiên cứu độc lập như anh Phùng Đức Quyền (giải Nhất trường năm nay), hay trước đó là anh Bùi Khắc Linh (giải Nhất trường, giải Nhất Bộ năm 2010-2011).
Điều thứ 2 nhóm mình muốn nhắn nhủ tới các em khóa sau đó là: khi làm nghiên cứu hãy tương tác thật tốt với thầy cô hướng dẫn. Trên thực tế, thầy cô rất bận rộn nhưng ĐHKT có rất nhiều thầy cô không những giỏi chuyên môn mà còn nhiệt huyết với sinh viên. Vì thế, hãy thông minh và chủ động khi nhận sự hướng dẫn của thầy cô trong bài nghiên cứu. Thầy cô sẽ chủ yếu đưa ra những ý tưởng mới lạ, độc đáo và khi cần sẽ tháo gỡ khó khăn cho chúng ta. Do đó, đừng trông chờ mà hãy chủ động theo như phương châm “chân chạy đầu nghĩ” - câu nói của TS. Nguyễn Đăng Minh mà mình rất tâm đắc.
Và điều cuối cùng chúng mình muốn chia sẻ là khi nghiên cứu, chúng ta cần “nghiêm khắc với bản thân”, đó là tiền đề để chúng ta vượt qua những trở ngại trong quá trình nghiên cứu và từng bước đẩy công trình của chúng ta trở nên có hiệu quả hơn. Hay nói cách khác, sinh viên khi nghiên cứu không được tự mãn và cần tự rút kinh nghiệm, làm việc nghiêm túc và từng bước hoàn thiện bài nghiên cứu ngày một tốt hơn. Bên cạnh đó, như lời TS. Vũ Anh Dũng nói trong hội nghị cấp trường, sinh viên cần có cái nhìn tổng thể và thực tế bằng việc biến bài nghiên cứu thành những sản phẩm cụ thể, hữu ích như các bài báo khoa học hay báo cáo ở các hội thảo. Những điều này không những đóng góp cho thực tiễn và còn giúp cho các bạn rất nhiều trên con đường học tập sau này.
Sau tất cả, NCKH sinh viên dù sao cũng là một sân chơi mà ở đó chúng ta được cùng nhau giao lưu học hỏi để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Sau này, không phải ai trong số chúng ta cũng đi theo con đường nghiên cứu; nhưng chúng ta là những người trẻ, nên dù tôi và bạn có cùng chung con đường tương lai hay không thì hãy sống hết mình với NCKH nếu như bạn thực sự muốn có được một trải nghiệm ý nghĩa và thiệt thực trong quãng đời sinh viên. Và cuối cùng, hãy nhớ nhé, không phải tất cả mọi người đều NCKH nhưng NCKH là dành cho tất cả mọi người. Hãy đến với NCKH với tâm thế của một kẻ chinh phục thực thụ và bạn sẽ thành công!


__________________
THÔNG TIN LIÊN QUAN:


Phùng Đức Quyền - Lương Thị Tuyến - Đỗ Đình Nam