Trang tin tức sự kiện
 
Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ sống mãi

Đó là nội dung bài phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội thảo Quốc tế “Hồ Chí Minh-Việt Nam và Hòa bình thế giới”, được tổ chức tại Calcutta-Ấn Độ, từ ngày 14 đến ngày 16/1/1991.


Trong bài phát biểu, Đại tướng nói: Cuộc hội thảo khoa học này cũng như nhiều cuộc hội thảo khác về Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức theo khuyến nghị của UNESCO trong các quốc gia thành viên, đã diễn ra trong một bối cảnh quốc tế cực kỳ sôi động và phức tạp. Nhiều biến đổi lớn đã xảy ra, nhiều nhận thức mới đã xuất hiện, nhiều giá trị cũ được thẩm đinh lại. Nhưng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua hội thảo, các nhà khoa học của nhiều quốc gia, thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau, đều có chung một nhận định: thế giới đã và sẽ còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong kho tàng văn hóa của nhân loại.

Vậy cái gì đã làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi với nhân loại? Không thể trả lời sáng tỏ câu hỏi ấy nếu không đặt tư tưởng Hồ Chí Minh trong quan hệ với thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên khi chủ nghĩa tư bản đã hoàn thành việc xâm chiếm thuộc địa. Hàng trăm quốc gia độc lập, có chủ quyền lâm vào cảnh mất nước, bị nô lệ. Kế thừa truyền thống đấu tranh bất khuất, với hoài bão giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Sau gần 10 năm khảo sát các nước đế quốc và thuộc địa của chúng, Người đã đi đến kết luận: chủ nghĩa tư bản, đế quốc ở đâu cũng gây ra lầm than khổ cực, người lao động ở đâu cũng bị bóc lột, đầy đọa không có quyền sống.

Với tấm lòng yêu nước thương nòi, với sự đồng cảm trước cảnh ngộ của muôn triệu người cùng khổ, năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Lênin: con đường cứu nước là con đường cách mạng vô sản. Chủ nghĩa yêu nước đã gắn liền với chủ nghĩa quốc tế chân chính, Độc lập dân tộc đã gắn liền với giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đó chính là cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự vận dụng sáng tạo và thành công những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn đặc thù của xã hội Việt Nam, của xã hội một nước phương Đông vốn là thuộc địa và nửa phong kiến. Tư tưởng ấy đã khai phá con đường giải phóng của các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, đề ra phương hướng đưa xã hội các nước ấy từ cách mạng giải phóng dân tộc, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.


S.T