Trang tin tức sự kiện
 
Hội thảo khoa học quốc gia “Đánh giá thực trạng nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học ở Việt Nam”

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Trong khuôn khổ đề tài “Một số giải pháp đột phá về chính sách tài chính nhằm phát triển giáo dục Đại học ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035”, mã số ĐTĐL.XH-07/19, do PGS.TS. Lê Trung Thành làm chủ nhiệm, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Trường Cán bộ quản lý Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Đánh giá thực trạng nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học ở Việt Nam” vào ngày 30-11-2020, Tổ chức tại Trường Cán bộ quản lý Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.


Đây là hội thảo thứ 2 trong chuỗi hội thảo quốc gia, quốc tế của đề tài nhằm tạo diễn đàn thảo luận, trao đổi giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên về thực trạng nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học ở Việt Nam hướng tới việc xây dựng, hoàn thiện các chính sách tài chính cho giáo dục đại học.

Mở đầu hội thảo PGS.TS Lê Trung Thành - Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGH, chủ nhiệm đề tài và PGS.TS. Hà Thanh Việt - Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu chào mừng và đề dẫn hội thảo.

 PGS.TS Lê Trung Thành - Chủ nhiệm đề tài phát biểu đề dẫn Hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Kiểm toán Nhà nước, Đại học Quốc gia TP. HCM, ĐHQG Hà Nội và nhiều trường đại học ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, các diễn giả chính là những chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý về tài chính và giáo dục đại học trình bày và chia sẻ những nghiên cứu mới nhất. Trong đó, PGS.TS Lê Trung Thành (Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN) chủ nhiệm đề tài trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài với bài tham luận “Nguồn lực tài chính giáo dục đại học Việt Nam: nhận diện và một số đề xuất”, bài tham luận mô tả bức tranh toàn cảnh về tài chính cho giáo dục đại học Việt Nam, từ nguồn lực ngân sách nhà nước, học phí, tín dụng cho sinh viên và các nguồn lực từ nghiên cứu chuyển giao công nghệ, từ tài trợ… đồng thời đưa ra một số giải pháp căn bản nhằm đa dạng nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học Việt Nam. Bên cạnh đó, hội thảo còn được nghe các tham luận từ các chuyên gia, các nhà quản lý như TS. Phạm Hùng Hiệp - Trường Đại học Phú Xuân với tham luận “Đánh giá sức khỏe tài chính của các cơ sở giáo dục đại học công lập tại VN, một số kết quả ban đầu”, TS. Nguyễn Anh Thu - Trưởng Ban Hợp tác phát triển ĐHQGHN “Thu hút nguồn lực quốc tế trong hoạt động đổi mới sáng tạo ở ĐHQGHN”, TS. Nguyễn Đình Hưng - ĐHQG TP.HCM “Nguồn lực tài chính của các cơ sở giáo dục đại học công lập ở VN trong điều kiện tự chủ: thực trạng và giải pháp”,…

TS. Nguyễn Anh Thu - Trưởng Ban Hợp tác phát triển ĐHQGHN
 TS. Nguyễn Đình Hưng - ĐHQG TP.HCM
TS. Phạm Hùng Hiệp phát biểu tại hội thảo

Với hơn 20 bài nghiên cứu, tham luận và khoảng 50 đại biểu là các nhà khoa học, học giả đến từ trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước đăng ký tham dự, hội thảo là diễn đàn để trao đổi học thuật và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính cho giáo dục đại học tại Việt Nam, các bài học trên thế giới tập trung vào các vấn đề về tự chủ đại học, tự chủ tài chính đại học, sức khỏe tài chính của các cơ sở giáo dục đại học, huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính cho đại học v.v.

 Bà Lê Yên Dung - Vụ Khoa học Nhân văn và Tự nhiên, Bộ KHCN phát biểu tại hội thảo

Với tinh thần xây dựng, chia sẻ kiến thức, các tham luận trình bày thảo luận tại hội thảo được các nhà khoa học, các đại biểu chất vấn, thảo luận, góp ý, đề xuất. Các ý kiến đa chiều tại hội thảo giúp các nhà khoa học hoàn thiện hơn nghiên cứu của mình, đồng thời đóng góp chung cho nhóm nghiên cứu của đề tài Một số giải pháp đột phá về chính sách tài chính nhằm phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035 hoàn thiện hơn kết quả nghiên cứu.
 

Thế Nữ (KTKT)


Các tin khác