Trang tin tức sự kiện
 
Trưởng thành và có thêm nhiều bạn sau khi trao đổi quốc tế ở Hàn Quốc

Anh Thư đã có những trải nghiệm tuyệt vời ở vùng đất mới
Chỉ với 4 tháng trao đổi quốc tế tại Đại học Chung Ang, Hàn Quốc, sinh viên Nguyễn Anh Thư QH-2017-E Tài chính Ngân hàng CLC, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã trưởng thành hơn rất nhiều, đặc biệt Thư còn có cơ hội làm quen với rất nhiều người bạn khác đến từ khắp nơi trên thế giới.


Đi để thay đổi

Ngay từ khi biết thông tin trao đổi sinh viên quốc tế giữa hai Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và ĐH Chung Ang, Hàn Quốc, Anh Thư đã lên kế hoạch rèn luyện vốn tiếng Anh để đủ điều kiện đi tham gia trao đổi, vì Thư biết rằng “tuy chỉ đi trong thời gian ngắn nhưng sẽ có thể thay đổi hoàn toàn bản thân”.

“Từ bé em chưa bao giờ xa gia đình, vì vậy mà em muốn thử cảm giác tự lập, tự lo cho bản thân để mình trưởng thành hơn. Không chỉ vậy, Hàn Quốc còn là một đất nước xinh đẹp mà em yêu thích, với phong cảnh nên thơ trữ tình, nên ngoài việc học để nâng cao kiến thức em mong muốn sẽ được khám phá cảnh quan, văn hóa và con người xứ sở kim chi” Anh Thư cho biết.

 Anh Thư tìm hiểu đất nước Hàn Quốc cùng những người bạn

Về điều kiện để nộp hồ sơ đi học trao đổi, Thư cho biết “Mỗi sinh viên khi có nhu cầu muốn được sang nước ngoài học trao đổi, cần tích lũy điểm GPA của mình tối thiểu 2.5/4.0, bên cạnh đó cũng phải trau dồi vốn tiếng Anh của mình (IELTS tối thiểu 5.5). Sinh viên tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa cũng là một điểm cộng lớn trong hồ sơ”.

Trước đó, Anh Thư (ngoài cùng bên trái) là một sinh viên năng động, hoạt bát và là thành viên của CLB Truyền thông (MCC) Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Vậy là một ngày đẹp trời tháng 8/2019, Anh Thư lên máy bay để sang đất nước Hàn Quốc trong sự kỳ vọng của gia đình và thầy cô. Tuy sang một đất nước mà trước đây chỉ thấy qua phim ảnh nhưng Anh Thư không hề cảm thấy xa lạ, vì ở Hàn Quốc sinh viên viên quốc tế luôn nhiệt tình hỗ trợ nhau, giúp đỡ nhau và thông cảm cho nhau rất nhiều.

Sự thay đổi lớn nhất mà Anh Thư thấy được chính là khả năng nói tiếng Anh, nếu như trước khi đi, Thư chỉ nắm được ngữ pháp, giao lưu tiếng Anh với người Việt thì sau khi về nước tiếng Anh của Thư đã trau chuốt hơn, chuẩn ngữ pháp và phát âm hơn. “Đúng là học ngoại ngữ cách tốt nhất là sống trong môi trường của họ, dù không muốn học cũng phải học để giao tiếp, và họ phát âm chuẩn hơn buộc mình phải nói chuẩn nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau”.

Sang Hàn Quốc, Anh Thư đăng ký 16 tín chỉ, trong đó có 3 môn chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, Tài chính doanh nghiệp chuyên sâu, Quản trị nguồn nhân lực và một môn tự chọn là tiếng Hàn cơ bản. Các môn học đều được các giáo sư hết sức vui tính, dễ gần của Hàn Quốc giảng dạy bằng tiếng Anh. “Mặc dù tên các môn và chương trình bên đó khá giống với chương trình ở UEB, nhưng phong cách giảng dạy hoàn toàn khác, cách ra bài tập cũng như cách các bạn sinh viên Hàn Quốc tự tìm tài liệu môn học để ôn thi khiến em thêm ngưỡng mộ sự chăm chỉ, chịu khó học tập của các bạn. Tất cả các môn học em đăng ký đều được công nhận tín chỉ và ghi rõ nơi đào tạo, đây là thuận lợi rất lớn đối với chúng em sau này ra trường” Thư tâm sự.

Đi trao đổi là cơ hội lớn khám phá thế giới

Đi giao lưu quốc tế là thời gian vàng để sinh viên tranh thủ đi khám phá các địa điểm nổi tiếng của nước bạn, đây có thể coi như một chuyến du lịch khám phá miễn phí đối với du học sinh, sinh viên trao đổi quốc tế.

 Anh Thư trong trang phục hanbook - trang phục truyền thống của người Hàn Quốc

Trong 4 tháng học tại Hàn Quốc, Anh Thư đã đi chơi hầu hết các địa điểm nổi tiếng ở Seoul mà trước đây chỉ thấy trên tivi, như là dạo chơi tháp Namsan, ghé thăm cung điện Gyeongbukgung, lạc trong Lotte World, shopping cùng bạn bè ở con phố Hongdae, Myeongdong hay Itaewon, ngoài ra Anh Thư còn có trải nghiệm được đi các tỉnh khác ngoài Seoul chơi vì hệ thống xe buýt ở Hàn rất thuận lợi và giá rẻ.

Có bạn bè đồng hành và thời gian nhiều chính là hai lợi thế lớn của Anh Thư, nếu như đi du lịch chỉ gói gọn trong khoảng một tuần và đi cùng gia đình thì tranh thủ đi học, sinh viên có thể hoàn toàn chủ động về thời gian, đi đâu mình thích và chọn người bạn đồng hành cũng mình trong suốt chuyến đi.

“Ngay như trường em cũng là một địa điểm du lịch, trường nằm trên một quả đồi lớn, xanh mướt và rất rộng, để đi hết cả trường chắc cũng phải 30 phút đến 1 tiếng, tuy vậy không ai thấy mệt vì cảnh quan quá đẹp, đặc biệt là vào thời điểm cuối thu khi có nhiều cây ngả lá vàng” Anh Thư chia sẻ.

 Anh Thư tươi tắn, rạng ngời trong giảng đường ĐHKT

Ngoài khám phá các địa danh nổi tiếng, văn hóa và con người Hàn Quốc là điều không thể không tìm hiểu khi đặt chân đến đất nước này. Theo Anh Thư, khi mới sang Hàn Quốc, có lẽ đồ ăn chưa quen nên không ăn được mấy, tuy vậy sau tuần đầu tiên thì Thư dần dần “khám phá ra vị ngon” của ẩm thực xứ kim chi. “Trong trường có canteen rất xịn, đồ ăn ngon và đa dạng như canh rong biển, kimchi, thịt bò xào, trứng bắc khá giống với ở nhà hàng Việt Nam, hơn nữa vì là sinh viên quốc tế nên giá cả lại cực kì hợp túi tiền”.

Trở lại trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, Anh Thư đã trưởng thành và tự tin hơn rất nhiều, từ phong cách học tập, cách ứng xử với bạn bè, giao tiếp với thầy cô giáo… điều này phần nào thấy được chất “quốc tế hóa” đã hình thành ở những sinh viên đi giao lưu, trao đổi quốc tế.

 Trở về Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Anh Thư đã trở nên chín chắn và trưởng thành hơn rất nhiều

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Anh Thu cho biết: Trao đổi sinh viên quốc tế nhiều thì cũng không khác sinh viên đi du học là mấy, thậm chí còn được đi nhiều nước mà chi phí lại rẻ, có trường còn không mất học phí. Vì thế mà Trường luôn cố gắng tạo điều kiện để sinh viên có thể đi trao đổi quốc tế ít nhất một lần trong khóa học, có thể là trường châu Á, châu Âu, Mỹ hoặc Úc tùy vào sở thích của sinh viên, và đã có sinh viên đi tới 5 nước trong suốt khóa học, điều đó giúp sinh viên trưởng thành và hoàn thiện mình hơn rất nhiều.


Văn Công