Trang tin tức sự kiện
 
Chi hội Hữu nghị Việt - Anh UEB lan tỏa yêu thương nhân dịp Noel sắp đến

Một sản phẩm của doanh nghiệp Thương Thương chuẩn bị cho Noel sắp đến
Chiều ngày 11/12/2020, Chi hội Hữu nghị Việt - Anh tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB - VNU) đã tổ chức thăm và trải nghiệm thực tế với doanh nghiệp xã hội Thương Thương Handmade để tìm hiểu về câu chuyện khởi nghiệp và trải nghiệm thực hiện những sản phẩm lưu niệm ý nghĩa cho mùa Noel ấm áp này.


Tham gia chuyến thực tế có TS. Phạm Vũ Thắng - Chủ tịch Chi hội Hữu nghị Việt - Anh tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cùng với các giảng viên của Trường sinh hoạt tại Chi hội. 

Xương thuỷ tinh mà ý chí thép

Chúng tôi tới thăm chị Nguyễn Thị Thu Thương, người sáng lập ra Thương Thương Handmade (số nhà 13, ngõ 11, phố Lương Định Của, Đống Đa, Hà Nội), doanh nghiệp xã hội chuyên sản xuất đồ lưu niệm, đặc biệt là thiệp và tranh bằng giấy cuốn. Tất cả những nhân viên trong cơ sở đều là người khuyết tật, người phải chạy thận, người dị tật bẩm sinh, còn riêng chị Thương có căn bệnh xương thuỷ tinh từ nhỏ. Chỉ sau một vài phút tiếp xúc, chúng tôi cảm nhận được rõ rệt những câu chuyện hài hước, tạo ra bầu không khí vui vẻ, tích cực trong ngôi nhà chung này. Chị kể rằng bản thân cơ sở không có phòng marketing, nhưng mình phải cố gắng đăng sản phẩm lên mạng và sử dụng từ khoá tìm kiếm, để khách hàng biết tới doanh nghiệp. Không chỉ có vậy, việc tích cực tham gia hội chợ, tạo lập gian hàng, cũng thúc đẩy việc bán hàng và gặp gỡ những đối tác tiềm năng. Điều ấn tượng nhất, đó là chị nói mình phải đẹp, luôn mang theo cây son đỏ trong người, “Tội gì mà không đẹp hả em?”.

Các hội viên Chi hội Hữu nghị Việt - Anh UEB ngồi quây quần bên chị Thương và các sản phẩm của Thương Thương handmade

Làm đẹp cho mình và làm đẹp cho đời

Với tinh thần làm đẹp dù là ai, tới từ đâu của chị Thương, chúng tôi cùng tham gia thử làm những tấm thiệp xinh xắn mùa lễ hội cùng anh chị em trong ngôi nhà Thương Thương. Thách thức lớn nhất với những thầy cô giáo trong Chi hội Hữu nghị Việt - Anh UEB là làm sao để cầm cây kim, cuộn giấy? Chúng tôi đã là những học viên thật sự của anh chị em trong ngôi nhà Thương Thương. Tính kiên trì, tỉ mỉ của công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian của người bình thường, chưa nói đến những tấm gương khuyết nhưng không tật.

 

 Các hội viên trong Chi hội Hữu nghị Việt - Anh UEB đang cùng thực hiện tấm thiệp Giáng sinh đầu tay của mình

Sử dụng thành thạo công nghệ

Với bàn tay nhỏ xinh, như đôi bàn tay em bé, chị Thương và các nhân viên trong cơ sở sử dụng thành thạo điện thoại để cập nhật mẫu hình, dán cuộn theo mô hình trong bản mềm. Mỗi người đều có một chiếc giá đặt điện thoại thông minh, dễ dàng liên lạc, cập nhật xu hướng mới của Việt Nam, cũng như thế giới, và tạo ra những sản phẩm chất lượng, độc đáo, ý nghĩa. Thêm vào đó, nhờ vào Quỹ Thriive Hà Nội thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội, cơ sở còn được cung cấp thêm vốn đầu tư để sắm sửa thêm máy móc, nâng cao năng suất lao động. Chỉ với chuyến thăm doanh nghiệp thực tế này, những thầy cô giáo - thành viên của Chi hội hữu nghị Việt - Anh UEB đã có thêm nhiều câu chuyện, trải nghiệm thực tế để truyền tải tới sinh viên của Trường trong mùa Giáng sinh sắp tới.
TS. Phạm Vũ Thắng cho biết, Doanh nghiệp Thương Thương là một mái nhà chứa chan tình cảm của rất nhiều người khuyết tật, nơi đây còn chứng kiến nghị lực vươn lên và khát vọng hòa nhập cộng đồng của tất cả các bạn. Chi hội Hữu nghị Việt - Anh UEB sẽ cố gắng kết nối các tổ chức xã hội, từ thiện chung tay giúp sức cho doanh nghiệp phát triển bền vững, giúp một phần nhỏ vào việc hỗ trợ mua sản phẩm làm quà lưu niệm. Hy vọng rằng, sẽ có nhiều bạn trẻ thấy được câu chuyện nghị lực này mà có thêm động lực và niềm tin trong cuộc sống.

Bùi Chi