Ngày 24/4, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 19/CT-TTg về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ:
Dịch bệnh COVID-19 đã lan rộng trên toàn thế giới, làm
hàng triệu người mắc, hàng trăm ngàn người tử vong, ảnh hưởng nghiêm trọng đến
các hoạt động kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Sau 3 tuần thực hiện cách
ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính
phủ, cả nước đã phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch, tiếp tục kiểm soát, hạn
chế tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng, điều trị khỏi đa số người mắc và chưa có
trường hợp tử vong. Tuy nhiên, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ
bùng phát vẫn ở mức cao, ảnh hưởng xấu đến kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân.
Nhằm thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống
dịch, đồng thời khởi động lại và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh
và ổn định xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, thực hiện
nghiêm các quan điểm, nguyên tắc, phương châm:
a) Thống nhất nhận thức và hành động, quán triệt sâu
sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống
chính trị và mọi người dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người
đứng đầu, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ
Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời thực
hiện mục tiêu tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm với
sự quản lý cụ thể của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với
các điều kiện cụ thể;
b) Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương
mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch;
c) Kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống
dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch đồng thời với việc
làm tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất người tử vong; phương châm “4 tại
chỗ”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan;
d) Được nới lỏng các biện pháp hạn chế để phục vụ
phòng, chống dịch đã thực hiện phù hợp với diễn biến dịch bệnh; khôi phục các
hoạt động kinh tế - xã hội trên cơ sở bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là
tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn.
2. Các Bộ, cơ quan liên quan, UBND tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp:
a) Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc
dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi
tiếp xúc; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở,
trường học, bệnh viện;
b) Tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn
giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân
vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.
c) Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ
không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát-xa, quán
bar, vũ trường…) và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác theo quyết định hoặc chỉ
đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
d) Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn,
bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn…) trừ các
cơ sở nêu tại điểm c mục 2 trên đây, khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh
lam thắng cảnh được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo
đảm an toàn phòng, chống dịch như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân
nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ
sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.
đ) Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên
tỉnh, nội tỉnh được hoạt động trở lại, nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo
đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải như:
hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, xà phòng,
dung dịch sát khuẩn để rửa tay cho hành khách.
Riêng đối với vận chuyển hành khách bằng đường hàng
không, áp dụng các biện pháp phù hợp đặc thù ngành hàng không, bảo đảm an toàn
cho hành khách, ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh.
e) Giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch
giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người; thực
hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện
pháp phòng bệnh cho học sinh.
g) Nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động và phải
thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động.
h) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu
trách nhiệm xây dựng phương án làm việc cho cơ quan đơn vị một cách phù hợp bảo
đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên; không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông
người chưa cần thiết, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời
hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân
và doanh nghiệp.
Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh
tế, xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương
quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: đeo khẩu
trang, sát trùng tay, ngồi giãn cách; thực hiện giám sát về y tế; không tổ chức
liên hoan, tiệc mừng.
3. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức nguy cơ
lây nhiễm dịch bệnh đối với từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đề
xuất của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
4. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
ngoài chỉ đạo thực hiện các biện pháp quy định tại mục 2 nêu trên, chịu trách
nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với các mức
nguy cơ, bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, địa bàn có
nguy cơ cao tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ
thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
b) Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nguy cơ:
- Khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không cần
thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
- Không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng,
ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 01m khi
tiếp xúc.
c) Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mức
nguy cơ thấp:
- Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà
nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
- Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng,
ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 01m khi
tiếp xúc.
d) Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
liên quan xác định phạm vi khu vực nguy cơ cao trên địa bàn và chỉ đạo thực
hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020
của Thủ tướng Chính phủ.
5. Bộ Y tế tập trung chỉ đạo:
a) Kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng, xử lý
triệt để các ổ dịch; ứng dụng công nghệ thông tin để tìm kiếm, xác định các
trường hợp có nguy cơ lây nhiễm.
b) Tổ chức phân luồng, phân tuyến điều trị hợp lý ngay
từ khâu tiếp đón bệnh nhân, phòng ngừa lây nhiễm tại các cơ sở y tế, bảo đảm an
toàn đối với cán bộ y tế, người tham gia phòng, chống dịch, người cao tuổi,
người có bệnh lý nền, các đối tượng yếu thế.
c) Hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch
tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phương tiện vận tải.
6. Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao tiếp tục
chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm việc hạn chế nhập cảnh; kiểm soát chặt chẽ
người nhập cảnh; tất cả các trường hợp được nhập cảnh phải thực hiện cách ly
theo quy định.
7. Các Bộ: Quốc phòng, Y tế, UBND tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương có liên quan tiếp tục tổ chức tốt việc thực hiện cách ly, cải
thiện điều kiện sinh hoạt tại các cơ sở cách ly tập trung.
8. Các Bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn các biện pháp
phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn tại các cơ sở và hoạt động thuộc phạm vi,
lĩnh vực quản lý.
9. Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công
nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Văn phòng Chính phủ chỉ đạo thực hiện
ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, làm việc, học tập trực
tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện các thủ
tục hành chính, dịch vụ công, thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử và kinh tế
số.
10. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về
phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội; tăng cường thanh tra, kiểm
tra xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc có hành vi vi phạm
quy định phòng, chống dịch, kể cả xử lý hình sự (nếu có).
11. Các Bộ, cơ quan liên quan, UBND tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp phát triển kinh
tế - xã hội, trong đó:
a) Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan tập trung,
khẩn trương thúc đẩy việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu với các nước EVFTA;
chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, hàng hóa, nhất là các hàng hóa có
lợi thế và tiềm năng xuất khẩu để triển khai ngay sau khi các nước dỡ bỏ phong
tỏa, mở cửa trở lại.
b) Tiếp tục rà soát, bảo đảm nguồn cung và vận chuyển,
cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu.
c) Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, có các biện
pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu dùng, nhất là thương mại điện tử, hệ thống bán lẻ,
đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống; dần từng bước
mở lại du lịch nội địa.
d) Chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án khởi động
lại các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo nguyên tắc an toàn phòng, chống
dịch.
12. Các Bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài
chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai
thực hiện các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội theo đúng Nghị quyết số 42/NQ-CP
ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do
đại dịch COVID-19 bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
13. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức
đoàn thể phối hợp với chính quyền các cấp tăng cường vận động nhân dân nâng cao
ý thức tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch.
14. Yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang
Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương, các tổ chức đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ
thị này./.
Xem bài gốc >>